Doanh nghiệp địa ốc ‘ồ ạt’ mua lại trái phiếu trước hạn
Sau động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trái phiêu trước hạn với khối lượng lớn.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đã là 86.556 tỷ đồng, tương đương gần 3,7 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính riêng tháng 7/2022, đã có xấp xỉ 1,04 tỷ USD trái phiếu được mua lại trước hạn (số mua lại riêng quý II là 2,1 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn có nhiều lô trái phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Động thái này cho thấy, các doanh nghiệp địa ốc đang gấp rút giảm tỷ lệ nợ vay từ kênh huy động vốn này.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex, Mã CK: BCM) công bố đã hoàn tất việc mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã DCMH2025002 với mệnh giá 1.000.000 đồng/ trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm được phát hành vào ngày 31/08/2020, đáo hạn vào ngày 31/08/2025 với tổng giá trị của lô trái phiếu là 2.000 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, BCM cũng đã mua lại 200 tỷ đồng của lô trái phiếu này, giảm giá trị đang lưu hành xuống còn 1.800 tỷ đồng. Như vậy, cộng với đợt mua lại 200 tỷ đồng lần này, lô trái phiếu trên của Becamex IDC sẽ giảm giá trị còn lại là 1.600 tỷ đồng (theo mệnh giá).
Ngoài ra, hồi tháng 6, Becamex IDC cũng đã mua lại 79 tỷ đồng trái phiếu từ lô trái phiếu có mã BCMH2123002 được phát hành ngày 11/6/2021. Qua đó, giảm lượng lưu hành từ 500 tỷ đồng xuống còn 421 tỷ đồng. Đây là trái phiếu kỳ hạn 2 năm, đáo hạn ngày 11/6/2023. Như vậy, chỉ sau 1 năm phát hành, Công ty đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn, vừa qua, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (MCK: NBB) thông báo vừa mua lại 10 tỷ đồng trái phiếu trước hạn để giảm lượng trái phiếu lưu hành từ 300 tỷ đồng về 290 tỷ đồng, ngày thực hiện mua lại là 30/8/2022.
Đây là trái phiếu thuộc lô trái phiếu có mã NBBH2124001 phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024 (kỳ hạn 36 tháng) với tổng khối lượng phát hành 490 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ tháng 9/2021 đến nay, Năm Bảy Bảy đã thực hiện tổng cộng 5 đợt mua lại trước hạn từng phần trái phiếu thuộc lô trái phiếu trên.
Trước đó, từ tháng 9/2021, NBB đã tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, tháng 9/2021, công ty đã mua trước hạn 50 tỷ đồng trái phiếu; tháng 10/2021 công ty mua lại 48 tỷ đồng trái phiếu; tháng 11/2021, công ty tiếp tục mua lại 42 tỷ đồng trái phiếu; đến tháng 5/2022, Năm Bảy Bảy lại mua thêm 50 tỷ đồng trái phiếu trước hạn và lần cuối cùng là cuối tháng 8/2022, công ty đã thực hiện mua lại thêm 10 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Tính đến nay, lô trái phiếu này chỉ còn 290 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường. Như vậy, lũy kế công ty đã mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn sau hơn 1 năm phát hành.
Các chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp địa ốc cố gắng xoay xở để thanh toán các lô trái phiếu sắp đáo hạn đang cho thấy nỗ lực vượt qua các khó khăn trong ngắn hạn để có thể duy trì hoạt động.
Doanh nghiệp có thể mua lại trái phiếu cho thấy hai điều, một là trên thị trường, sau thời gian sàng lọc gắt gao, vẫn còn những doanh nghiệp trường vốn, có tiềm lực tài chính tốt. Thứ hai, động thái này cũng là giải pháp để giảm lãi suất, giảm tối đa chi phí vận hành doanh nghiệp.
Hiện thị trường đang phản ánh khá rõ thực tế, ai có dòng tiền. Doanh nghiệp mua lại được các lô trái phiếu sắp đáo hạn không chỉ cho thấy tình hình kinh doanh ổn định, mà còn giúp giảm chi phí vận hành, tránh được vỡ nợ trái phiếu trong tương lai khi không có khả năng thanh toán khi đáo hạn.
Tuy nhiên, trước áp lực đáo hạn, các doanh nghiệp địa ốc cần cân đối dòng tiền và có giải pháp phù hợp, “sửa mình” để huy động được vốn từ trái phiếu bằng cách thoả mãn các quy định vì đây vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc cần mở rộng kênh vốn từ khách hàng, đối tác và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn. Doanh nghiệp cần tận dụng kênh vốn từ khách hàng qua việc nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tiến độ triển khai dự án để có thể mở bán và nhận các khoản tiền trả trước từ khách hàng. Có phương án tài chính hấp dẫn nhằm đẩy mạnh tiến độ thu tiền trả trước từ khách hàng; Tận dụng kênh vốn từ đối tác hợp tác kinh doanh và nhà cung cấp.
Với các nhà đầu tư muốn tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì nên tập trung quan sát các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, bởi đây là yếu tố quan trọng cho thấy khả năng trả nợ của bên phát hành.