'TTCK Việt Nam sẽ phục hồi từ tháng 9, cuối năm VN-Index có thể đạt 1.400 điểm'
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, nhưng không phải không có cơ hội quan trọng để phục hồi. Thách thức lớn chủ yếu từ bên ngoài, cụ thể là kinh tế thế giới lâm vào vòng xoáy vừa lạm phát cao vừa đình đốn và có thể suy thoái nhẹ.
Đặc điểm của lạm phát thế giới là vừa lạm phát cầu kéo vừa lạm phát chi phí đẩy trong bối cảnh có xung đột và sự hợp tác toàn cầu về một số nỗ lực chung để tìm kiếm giải pháp khắc phục yếu hơn nhiều so với năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra.
Lạm phát cầu kéo chủ yếu là do các gói cứu trợ và kích thích phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch của nhiều nước đặc biệt là Mỹ - Châu Âu - Nhật Bản là lớn chưa từng có, mà chủ yếu là ngân sách vay tiền từ Ngân hàng Trung ương (NHTW) để chi tiêu dưới nhiều tên gọi khác nhau như mua sắm tài sản hoặc “mở rộng bảng cân đối tài sản của NHTW” (thực chất là in tiền cho chi tiêu ngân sách).
Một số NHTW vì vậy đã có tổng tài sản vượt gần 100 lần vốn chủ sở hữu. Thế nhưng ngay khi lạm phát bắt đầu tăng trở lại trong năm 2021 người ta vẫn chủ quan cho rằng “lạm phát chỉ là nhất thời”. Và người ta hy vọng một số lượng lớn tiền phát hành sẽ được trung hòa bằng thị trường chứng khoán và bất động sản, hai thị trường này đã tăng rất nhanh trong giai đoạn này. Quả thực các gói kích thích kinh tế cũng đã giúp các nền kinh tế này phục hồi rất nhanh sau đại dịch (năm 2021 tăng trưởng kinh tế của Mỹ có quý đạt 7%).
Tuy nhiên lạm phát cũng bắt đầu tăng mạnh, cầu tiêu dùng bắt đầu giảm và đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine đã khiến cho giá cả nhiên liệu, lương thực và các vật liệu công nghiệp, nông nghiệp tăng nhanh, chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy. Nguồn cung của nhiều loại hàng hóa suy giảm mạnh và lạm phát chi phí đẩy xuất hiện làm trầm trọng thêm lạm phát cầu kéo.
Cục dự trữ liêng bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ngày càng nhanh và cầu tiêu dùng càng giảm mạnh đẩy nền kinh tế nước này vào vòng xoáy suy thoái. Cần lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ phụ thuộc vào cầu tiêu dùng, mà nhiều năm nay cầu tiêu dùng không chỉ phụ thuộc vào việc làm (tỷ lệ thất nghiệp) mà phụ thuộc rất nhiều vào chỉ số vay tiêu dùng của người dân. Lãi suất tăng tất nhiên vay tiêu dùng sẽ giảm.
Lạm phát thế giới vào Việt Nam thông qua nhập khẩu nhiên liệu và vật liệu là chi phí của hầu hết các ngành sản xuất và vì vậy là loại lạm phát chi phí đẩy. Một phần lạm phát loại này được xuất khẩu trở lại thị trường quốc tế thông qua xuất khẩu, phần còn lại tác động trực tiếp vào thị trường nội địa Việt Nam và là sức ép lạm phát chủ yếu ở nước ta hiện nay. Rất may là Việt Nam không có lạm phát cầu kéo, do chúng ta không in tiền cho ngân sách vay chi tiêu và các gói cứu trợ của Việt Nam cũng rất ít khoảng 2-3% GDP trong khi các nước Mỹ - Châu Âu và Nhật Bản từ 15-40% GDP.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát cung tiền rất tốt nhờ đó mà lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định, không có tình trạng kích hoạt lẫn nhau giữa lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy trở thành vòng xoáy suy thoái đình trệ như ở một số nước. Vì vậy tăng trưởng kinh tế phục hồi khá nhanh đặc biệt là dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo. Kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố quan trọng giúp đầu tư và tiêu dùng phục hồi, đây là 2 yếu tố tăng trưởng GDP của 6 tháng qua nhìn từ phía cầu.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt 6,5-6,7% và lạm phát 3,9-4,2%. Trên nền tảng chính sách hiện có, có thể kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam đã thoát ra ngoài vòng xoáy lạm phát và đình đốn của nhiều nước trên thế giới và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trong khi dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại và đáy sẽ là năm 2023.
Đây là yếu tố kinh tế thực vô cùng quan trọng giúp thị trường chứng khoán phục hồi với mấy lý do:
- Lãi suất tiếp tục được ổn định hoặc biến động không đáng kể mặc dù lạm phát bình quân có xu hướng tăng chút ít.
- Tỷ giá hối đoái về cơ bản khá ổn định, dự báo VNĐ chỉ mất giá danh nghĩa khoảng 2,5% trong năm 2022.
- Đặc biệt kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng GDP khá cao đã giúp đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng khá, đầu tư gián tiếp dần quay trở lại bất chấp lãi suất của Mỹ tăng nhanh, dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài trở về Mỹ có thể gặp rủi ro lớn là kinh tế Mỹ suy thoái, cổ phiếu bị bán tháo và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể không dám tăng lãi suất với cường độ lớn là 0,75% hoặc 1% như dự kiến (chưa kể lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 2 năm bất ngờ cao hơn khá xa so với lợi suất kì hạn 10 năm, trong hơn 100 năm qua, hiện tượng này đã xảy ra 28 lần thì trong đó 22 lần kinh tế Mỹ suy thoái sau đó 12-18 tháng, đây là vấn đề mà các chuyên gia tài chính đang theo dõi và cũng là yếu tố khiến cho FED phải thận trọng hơn khi tăng lãi suất).
- Một số yếu tố quan trọng khác là thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi khá nhanh, trong đó nhà đầu tư lấy lại lòng tin về triển vọng kinh tế Việt Nam là yếu tố quyết định. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng dự thảo Nghị định 153 (sửa đổi) khá tích cực, không gây trở ngại cho phát triển thị trường này mà chủ yếu khắc phục một số kẽ hở về pháp lý theo hướng minh bạch hơn. Về cơ bản nhà đầu tư phải tự quyết định việc mua, bán và tự chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro đầu tư.
Ngoài ra có một số yếu tố phi kinh tế có thể góp phần rất lớn vào tiến trình phục hồi thị trường chứng khoán Việt Nam:
1. Tháng 8/2022, các sàn giao dịch tiếp nhận hệ thống giao dịch và thanh toán mới nhanh hơn, an toàn hơn và dễ giám sát từ xa hơn. Đây là yếu tố kỹ thuật rất quan trọng giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian chờ thanh toán và tăng khả năng thực hiện giao dịch, giảm thiểu rủi ro “thời điểm” và tăng cơ hội “chớp thời cơ”. Nhìn tổng thể, hệ thống mới này nếu thực hiện tốt có thể làm tăng vòng quay vốn và do đó làm tăng dung lượng (thanh khoản) của thị trường hàng tỷ USD.
2. Nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh toàn cầu khó khăn, cộng với những hoạt động chấn chỉnh thị trường, kiểm soát thao túng và cả việc đưa vào hệ thống thanh toán và giao dịch mới, rất có thể thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng thành thị trường chứng khoán mới nổi. Đây cũng là cơ hội lớn để có thêm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường, làm tăng tính ổn định và thanh khoản toàn thị trường, dự kiến tăng thêm 10-15 tỷ USD.
3. Hiện tại thị trường có thanh khoản khá thấp chỉ bằng 1/3 mức bình quân ngày năm 2021. Tuy nhiên chỉ số P/E cũng đang ở mức khá thấp 12 lần. Chỉ số vốn hóa thị trường nhỏ hơn 1,5 lần Tổng tài sản, là thời điểm đầu tư tốt nhất của chu kỳ kinh doanh này, nhất là đầu tư với kỳ hạn 6 tháng trở lên, đặc biệt đây cũng là cơ hội lớn của các quỹ đầu tư dài hạn.
Dự đoán thị trường có thể sẽ phục hồi từ tháng 9 và chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.400 điểm vào cuối năm 2022.