Từ 1/8/2024, Luật Đất đai 'quyết tử' những dự án treo, thu hồi đất vĩnh viễn
Quy định mới buộc doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ trước khi bắt tay vào thực hiện dự án và khắc phục sự chậm chạp trước đây.
Luật Đất đai dự kiến có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 được cho là sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp trong công tác tiếp cận tài nguyên đất đai, tăng nguồn cung nhà ở. Song, Luật này cũng siết lại trách nhiệm của doanh nghiệp nếu được giao đất nhưng không triển khai dự án.
Cụ thể, Luật Đất đai quy định đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án sẽ bị thu hồi.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường.
Những quy định này buộc doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ trước khi bắt tay vào thực hiện dự án và khắc phục những sự chậm chạp trước đây. Đặc biệt, sẽ chế tài rất mạnh đối với những dự án bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai.
Về quy định trên, có những tranh luận "bùng nổ" trong giới chuyên gia. Tại nhiều đô thị lớn, có những khu đất trống bỏ không cả chục năm nhưng vẫn không hề có tín hiệu khởi động nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM - cho biết, điều quan trọng của quy định này đó là khắc phục được tình trạng đầu cơ, loại bỏ tình trạng phổ biến thời gian qua đó là xin dự án, nhận đất nhưng để trống thời gian dài, chờ khi sốt đất, kiếm nhà đầu tư khác "sang tay" kiếm lời. Thay vào đó, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư đã nhận đất phải thực hiện dự án, giúp cho nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là một chế tài rất mạnh nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, đại diện là ông Lê Hữu Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM, cho rằngnếu Nghị định hướng dẫn luật không bổ sung, làm rõ sẽ có nhiều doanh nghiệp “chết oan”. Bởi vì doanh nghiệp khi được chấp nhận đầu tư, dự kiến dự án triển khai 3 năm, nhưng thủ tục chạy lòng vòng, có khi xin xong giấy phép cũng mất đến 5 năm. Trong thực tế có nhiều dự án chậm triển khai mà nguyên nhân lại đến từ thủ tục liên quan đến cơ quan chức năng.
Ông Nghĩa cho rằng, những dự án được giao đất, cho thuê đất kéo dài lê thê, qua nhiều năm mà lỗi do doanh nghiệp gây ra thì nhà nước thu hồi đất, thu hồi dự án và không bồi thường là đúng. Nhưng nếu là đất của doanh nghiệp tự bỏ tiền ra mua và chứng minh được dự án bị kéo dài là do lỗi của các cơ quan chức năng, của những người thực thi pháp luật, thì đương nhiên không thể thu hồi. Bởi để có được một dự án doanh nghiệp phải bỏ ra hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng để đi mua đất, đi giải phóng mặt bằng nhưng không phải lỗi của doanh nghiệp mà thu hồi dự án là "giết chết" doanh nghiệp. Chính vì vậy cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn những trường hợp thu hồi dự án, không thể đánh đồng hay "vơ đũa cả nắm".