Từ hiện tượng cổ phiếu DXG lao dốc nhìn lại hoạt động kinh doanh của Đất Xanh
Cổ phiếu DXG dường như đang giảm nhanh, mạnh hơn thị trường chung. Nguyên nhân bắt đầu từ đâu đang là ẩn số khi mà kết quả kinh doanh giảm sút đi kèm kế hoạch thiết lập những mảng mới, tăng vay nợ.
Bắt đầu từ việc giá cổ phiếu DXG giảm sâu
Thị trường chứng khoán Việt Nam mấy tháng gần đây đang giảm mạnh, đánh thẳng vào tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đối với một nhịp "vỡ bong bóng", các nhà đầu tư đang khá hoảng loạn khi đóng cửa mỗi phiên giao dịch với rất nhiều mã cổ phiếu giảm sàn. Có nhiều cổ phiếu thậm chí giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Đặc biệt đà giảm lại càng gia tăng tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư khi trước đó thị trường đã đi vào những phiên tăng điểm liên tục, chỉ số VnIndex vượt 1.500 điểm.
Chuỗi giảm điểm thị trường những tháng vừa qua bắt đầu từ những cổ phiếu nhóm ngành bất động sản sau chấn động đấu giá đất Thủ Thiêm bất thành. Kế đó là cú lao dốc của các cổ phiếu ngành thép xây dựng khi giá thép lao dốc. Nhóm các công ty chứng khoán cũng bị "soi" sau vụ phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh và những đợt phát hành trái phiếu "khủng" của những doanh nghiệp khác. Cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất xanh cũng không ngoại lệ.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) là một trong những doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn, vốn điều lệ hơn 6.000 tỷ đồng, vốn hoá thị trường thời điểm cao nhất đạt xấp xỉ 28.000 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 tháng gần đây cổ phiếu DXG bất ngờ lao dốc, giảm từ vùng giá gần 47.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới ngưỡng 19.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ giảm khoảng 60%. Vốn hoá thị trường xuống dưới mốc 12.000 tỷ đồng.
Không chỉ DXG mà cổ phiếu “cặp đôi” là DXS của Đất Xanh Service cũng giảm hơn một nửa, từ vùng đỉnh 35.500 đồng/cổ phiếu xuống dưới 15.000 đồng/cổ phiếu.
Vậy do đâu mà cổ phiếu DXG lao dốc? Có thể nói nếu đi tìm nguyên nhân, sẽ không chỉ có một, và các nguyên nhân cũng chỉ là cách các nhà đầu tư lý giải cho sự giảm giá của cổ phiếu này. Nguyên nhân có thể đến từ kết quả kinh doanh giảm sút của quý 1, có thể đến từ những lo ngại liên quan đến việc thực hiện tái cấu trúc Tập đoàn, có thể đến từ những lo ngại liên quan đến từ “trái phiếu” đối với doanh nghiệp bất động sản gần đây…
Nguyên nhân có thể đến từ việc tái cấu trúc Tập đoàn
Ngày 21/4/2022 Tập đoàn Đất Xanh chính thức có thông cáo báo chí về việc tái cấu trúc mô hình quản trị hệ thống. Văn bản ghi rõ, những ngày gần đây trên thị trường có một số thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm cho một số nhà đầu tư và cổ đông liên quan đến nội dung Tập đoàn cơ cấu lại thành viên HĐQT tại Dat Xanh Services trước thềm ĐHĐCĐ sắp tới. Do vậy, Công ty đã lên tiếng làm rõ về mô hình và chiến lược quản trị của Tập đoàn trong thời gian tới.
Theo đó, hướng đến thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp theo mô hình holdings, một nhân sự không kiêm nhiệm quá nhiều vị trí, việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn lại kiêm thành viên HĐQT công ty thành viên gây bất cập trong công tác quản lý, ông Lương Trí Thìn và ông Hà Đức Hiếu sẽ không tiếp tục giữ vị trí thành viên HĐQT Dat Xanh Services (DXS), kể từ ngày 23/4, để tập trung công tác chiến lược phát triển Tập đoàn…
Tập đoàn Đất Xanh cũng cho biết tái cấu trúc theo mô hình holdings với hệ sinh thái bất động sản khép kín sẽ được xây dựng dựa trên 5 nhóm ngành chiến lược mũi nhọn, mỗi công ty con sẽ đảm nhận nhiệm vụ phát triển một nhóm ngành riêng biệt.
Tuy vậy nhà đầu tư chắc chắn vẫn còn nhiều lo ngại đối với công tác tái cấu trúc theo mô hình holdings này của Đất Xanh. BCTC quý 1/2022 của Đất Xanh cho thấy công ty có 87 công ty con thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, môi giới bất động sản, xây dựng, dịch vụ tài chính, cổng thông tin.
Lo ngại của nhà đầu tư có thể đến từ tâm lý khi Đất Xanh thực hiện mở rộng thêm 2 nhóm ngành mới. Báo cáo thường niên năm 2021 ghi nhận Tập đoàn Đất Xanh đã thành lập Dat Xanh E&C – mảnh ghép trong ngành xây dựng. Ngoài ra còn thành lập thêm 2 nhóm ngành mới là CTCP Đất Xanh Capital và Công ty TNHH MTV Đất Xanh Tech. Tuy vậy, các động thái quyết định việc nhóm lại các công ty con chưa có tiến triển.
Nguyên nhân cũng có thể đến từ kết quả kinh doanh giảm sút
Quý 1/2022 doanh thu Đất Xanh giảm 39% so với cùng kỳ năm 2021, còn gần 1.800 tỷ đồng. Trừ các chi phí công ty còn lãi sau thuế hơn 408 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với số lãi 711 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2021.
Dòng tiền cũng là một trong những lo ngại của nhà đầu tư. Tổng tài sản tính đến 31/3/2022 của Đất Xanh đạt gần 28.900 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 89%, đạt trên 25.700 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của công ty phần lớn lại nằm ở hàng tồn kho (hơn 11.400 tỷ đồng) và các khoản phải thu (11.856 tỷ đồng), trong đó phải thu ngắn hạn khác hơn 7.000 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty ghi âm 630 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư hơn 187 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 1/2022 Đất Xanh còn khoản vay nợ ngân hàng tổng hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 3.444 tỷ đồng và vay dài hạn 863 tỷ đồng. Nếu chia tách theo loại vay, vay trái phiếu ngắn hạn hơn 2.300 tỷ đồng và vay trái phiếu dài hạn 689 tỷ đồng. Trong số các khoản vay ngân hàng, cũng có những khoản vay tín chấp.
Phát hành 300 triệu trái phiếu
Ngày 28/5/2022 Đại hội đồng cổ đông thường niên Tập đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án chào bán, phát hành hoặc tham gia vào công cụ nợ quốc tế hoặc công cụ nợ chuyển đổi của công ty bằng USD.
Theo đó Đất Xanh dự kiến phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 330 triệu USD theo hình thức trái phiếu chuyển đổi/không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Số tiền huy động từ đợt phát hành trái phiếu này gần 6.960 tỷ đồng dùng để cấp vốn cho một số dự án đầu tư và vốn lưu động của công ty. Giá chuyển đổi do HĐQT quyết định phụ thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư.
Trước đó cuối tháng 3/2022 Đất Xanh group đã thông qua chủ trương phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho đối tác chiến lược nước ngoài, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, không có tài sản đảm bảo. Giá chuyển đổi căn cứ theo tình hình thị trường tại thời điểm phát hành những không thấp hơn 62.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó giá cổ phiếu DXG đang giao dịch ở vùng đỉnh, quanh mức 47.000 đồng/cổ phiếu, trong khi hiện tại DXG đã xuyên thủng luôn ngưỡng giá 19.000 đồng/cổ phiếu, về mức 18.200 đồng/cổ phiếu.
Trên thực tế, khó có thể quy kết một nguyên nhân cụ thể cho việc giá cổ phiếu giảm. Tuy vậy việc cổ phiếu DXG lao dốc từ vùng đỉnh 47.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất đi 60% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng đang là hồi chuông báo động. Tâm lý lo lắng, bán tháo của nhà đầu tư có thể xuất phát từ hiệu ứng sợ hãi, cũng có thể xuất phát từ những lo ngại khi gần đây xuất hiện ngày càng nhiều thông tin liên quan đến dự án của Đất Xanh. Đặc biệt trên các diễn đàn đang đồn đoán các thông tin liên quan đến dự án Gem Rverside của Đất Xanh, việc công ty đang âm thầm tiến hành đền bù thoả thuận đặt cọc song song với các thông tin sẽ tiến hành thực hiện dự án trong thời gian tới, cũng khiến các nhà đầu tư đặt dấu hỏi?