Từng là "điểm nóng" bất động sản, giá đất tại Hoài Đức giờ ra sao?
Thời điểm đầu năm 2021, thị trường bất động sản huyện Hoài Đức bất ngờ sôi động trước thông tin huyện này sẽ lên quận trong giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, giá đất khu vực này có dấu hiệu tăng nhẹ khi trước đó, tính đến giữa năm 2023, giá đất Hoài Đức luôn ở trạng thái "ảm đạm".
"Sốt nóng" mỗi khi có thông tin lên quận
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô, cách trung tâm thành phố khoảng 16 km; Hoài Đức tiếp giáp các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Phúc Thọ.
Đây không phải là lần đầu tiên huyện Hoài Đức đón thông tin lên quận khi trước đó vào giai đoạn 2011-2014, thị trường bất động sản Hoài Đức bắt đầu xuất hiện cơn "sốt đất nền" trước thông tin lên quận. Thời điểm đó, có những lô đất được đẩy giá lên mức 40-50 triệu/m2. Một số dự án tại khu vực Lê Trọng Tấn hay Bắc An Khánh, giá bất động sản tăng vọt, chạm ngưỡng 70-90 triệu/m2.
Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, thị trường chững lại, giá đất giảm sâu xuống chỉ còn 10-15 triệu/m2. Bong bóng nhà đất Hà Nội xì hơi khiến giá bất động sản nhiều khu vực tại Hoài Đức giảm 40-50% giá trị.
Sau đó vào cuối năm 2018, giá bất động sản Hoài Đức lại tiếp tục leo thang trước thông tin dự kiến huyện sẽ lên quận vào năm 2020. Khi đó, "đất nền Hoài Đức" trở thành cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất nửa cuối năm 2018, giá đất theo đó đã có sự tăng trở lại. Tuy nhiên, giao dịch thực không nhiều mà mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ.
Thời điểm này, giá đất nền ở Hoài Đức tăng theo từng địa bàn. Trong đó. biên độ tăng mạnh nhất ghi nhận ở thị trấn Trạm Trôi, đất mặt tiền ở đây được chào giá 120-130 triệu/m2, cao gấp rưỡi thời điểm cuối năm 2017.
Ở xã Kim Chung, giá đất một số nơi cũng được rao ở mức cao, từ 100 triệu/m2 trở lên; xã An Khánh, giá bán đất ngõ dao động 20-30 triệu/m2, những lô nằm cạnh các trục đường có dự án mới giá chạm mốc 40 triệu/m2.
Đến đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, Hoài Đức sẽ là một trong số các huyện của TP. Hà Nội dự kiến thành lập quận (cùng với Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Đan Phượng).
Như thường lệ, "cơn sốt đất" lại tiếp tục diễn ra khi nhiều lô đất có vị trí đẹp trong làng xã, trước đây với mức giá từ 30-35 triệu đồng/m2 thì thời điểm đầu năm 2022 có thể được chào giá từ 90-120 triệu đồng/m2. Cùng với những cơn sốt đất nền cục bộ, quan sát thực tế cho thấy, ngay sau khi có thông tin lên quận, giới đầu tư đã dồn mua tài sản bất động sản tích trữ, đón đầu cơ hội tăng giá khá nhiều.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào thời điểm giữa năm 2022, thị trường chung rơi vào khó khăn, kéo theo giá đất tại Hoài Đức cũng giảm đáng kể, thị trường lại bắt đầu trầm lắng trở lại.
Cụ thể, theo theo thống kê của CBRE Việt Nam, trong quý 2/2023, giá nhà liền thổ thứ cấp ở Hoài Đức đã giảm 5-6% theo quý (mức giảm cao hơn so với các khu vực khác của Hà Nội) sau giai đoạn 2021-2022 có tốc độ tăng trưởng đáng kể.
Trong quý 3, theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, giá giao dịch tại các quận/huyện ven đô và khu vực ngoại thành Hà Nội ghi nhận mức giảm nhiều hơn vùng trung tâm. Dù nhu cầu tìm kiếm và lượt quan tâm của nhà đầu tư tới đất nền đã tăng so với quý 2, song tình hình giao dịch nhìn chung chưa có nhiều cải thiện.
Giá đất Hoài Đức giờ ra sao?
Hiện tại, Hoài Đức đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu (hiện đã đáp ứng 27/31 chỉ tiêu) trong quá trình lên quận.
Về hạ tầng giao thông, huyện Hoài Đức dành nguồn lực ưu tiên cho các dự án quan trọng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024 như đường Liên khu vực 1; đường Liên khu vực 8; đường Lại Yên - Vân Canh; đường ĐH 02; đường Liên khu vực 6.
Các tuyến đường lớn kết nối trực tiếp Hoài Đức với khu trung tâm Mỹ Đình và khu vực nội đô cũng được mở rộng, xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như: tuyến đường Tây Thăng Long kết nối khu Tây Hồ với huyện Hoài Đức, Đan Phượng chạy song song quốc lộ 32; đường vành đai 3,5 kết nối từ Nhổn tới Đại lộ Thăng Long chạy qua huyện Hoài Đức; cung đường Trịnh Văn Bô kéo dài kết nối giữa Hoài Đức với Nam Từ Liêm và đường Vành đai 3; tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội...
Đáng chú ý, đoạn qua huyện Hoài Đức của dự án đường Vành đai 4 dài khoảng 17,1 km; đi qua địa phận 12 xã gồm Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù, Đông La. So với thời điểm đầu năm, hiện tượng bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4 đã diễn ra nhiều hơn.
Hiện tại, giá đất dịch vụ, đất thổ cư ở các xã An Khánh, An Thượng dao động lần lượt 25-170 triệu/m2 và 30-115 triệu/m2. Một số nơi khác như Cát Quế dao động 20-37 triệu/m2; Yên Sở 25-50 triệu/m2; Đông La 28-61 triệu/m2.
Còn giá đất một số nơi như Kim Chung hiện dao động 42-80 triệu/m2; Di Trạch 37-78 triệu/m2. Trong khi đó, giá đất tại khu vực xã Đức Thượng khoảng 22-70 triệu/m2; Dương Liễu 23-53 triệu/m2; Song Phương 25,5-65 triệu/m2. Giá đất xã Lại Yên hiện dao động 50-60 triệu/m2; xã Vân Canh 46-93 triệu/m2.
Có thể nói, quá trình phấn đấu lên quận, sự "thay da đổi thịt" của hạ tầng cùng xu hướng dịch chuyển ra khỏi vùng lõi Hà Nội đã tạo lực hút người lao động đến làm việc và sinh sống tại Hoài Đức. Điều này lý giải vì sao những năm gần đây, thị trường nhà đất ở địa phương chứng kiến sự tăng giá của nhiều phân khúc, nhất là ở khu vực dọc Quốc lộ 32.
Hiện tại, Hoài Đức đã thành công thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn bất động sản như Vingroup, WTO, Sunshine... Sự xuất hiện của những ông lớn này với các dự án chung cư, khu đô thị được đầu tư quy mô, bài bản không chỉ góp phần sôi động cho bất động sản mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội nơi đây./.