Tuyến cao tốc hơn 11.000 tỷ, là 'mắt xích' chiến lược của miền núi Đông Bắc, được sử dụng một ứng dụng đặc biệt để thiết kế
Đây là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất tại một tỉnh miền núi giáp Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Tháng 8 vừa qua, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Lễ vinh danh nhà vô địch cuộc thi Autodesk ASEAN Innovation Awards 2024 (AIAA 2024) đã được tổ chức.
Tại sự kiện này, CTCP Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đại Phong của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua 150 bài dự thi để giành giải Nhất hạng mục “doanh nghiệp sáng tạo của năm” với dự án ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Để đạt được thành tựu này, dự án của Công ty Đại Phong đã phải cạnh tranh với nhiều đối thủ đến từ 6 quốc gia trong khu vực gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines trong đó, nhiều đơn vị đã có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.
Khi nhận giải, đại diện công ty chia sẻ: “Đây là niềm tự hào không chỉ của Đại Phong mà còn của cả cộng đồng doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Việc ứng dụng BIM đã mở ra hướng đi hiện đại và hiệu quả trong các dự án hạ tầng giao thông. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng công nghệ này vào các dự án trong tương lai để nâng cao chất lượng, tối ưu chi phí và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường".
Bài dự thi của Đại Phong sử dụng BIM trong thiết kế dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với vai trò là đơn vị tư vấn lập đề xuất dự án theo đơn đặt hàng của nhà đầu tư.
BIM (Building Information Modeling) là một mô hình tiên tiến, giúp tạo lập và quản lý thông tin xuyên suốt vòng đời của dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành. So với các bản vẽ 2D hay 3D truyền thống, BIM vượt trội nhờ khả năng kết nối các mô hình thông minh, cho phép dễ dàng thay đổi và cập nhật liên tục trong suốt quá trình phát triển dự án.
Công ty Đại Phong đã ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là BIM trong bước thiết kế kỹ thuật thi công. Nhờ đó, họ kiểm soát tốt việc giải phóng mặt bằng, quản lý tiến độ và chất lượng thi công của nhà thầu, tối ưu hóa thiết kế và chi phí thực hiện dự án.
Đặc biệt, công nghệ BIM còn giúp doanh nghiệp lập kế hoạch với tổng thầu, đánh giá trách nhiệm của các đơn vị tư vấn và phòng ngừa rủi ro trong quá trình thanh quyết toán công trình.
Được biết, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đóng góp 5.495 tỷ đồng, còn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2026, với thời gian hoàn vốn kéo dài hơn 25 năm.
Tuyến cao tốc này sẽ đi qua các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài gần 60km. Đây là một phần trong kế hoạch hoàn thiện hạ tầng giao thông hiện đại tại tỉnh Lạng Sơn và là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực này.
Cùng với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vừa khởi công, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ là một mắt xích chiến lược, kết nối hai tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; cách Thủ đô Hà Nội 154km đường bộ và 165km đường sắt; phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Bắc Cạn.