Vành đai huyết mạch hơn 2 tỷ USD tại Hà Nội dự sẽ xóa ‘điểm đen giao thông’, 'cứu nguy' ùn tắc nội đô
Tuyến đường Vành đai 2 sau khi khánh thành, thông suốt và đưa vào hoạt động sẽ 'cứu nguy' được tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở nội đô Hà Nội.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP xem xét và đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tổng mức đầu tư ước tính hơn 21.000 tỷ đồng, gồm đoạn dưới thấp với kinh phí khoảng 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao 3.895 tỷ đồng.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất chia thành 2 dự án riêng biệt, trong đó đoạn dưới thấp có chi phí dự kiến lên đến hơn 17.000 tỷ đồng gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng là 16.700 tỷ đồng và chi phí xây lắp là 541 tỷ đồng.
Ngoài ra, đoạn trên cao thuộc nhóm dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dự kiến là 3.895 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao (cầu cạn) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy sẽ có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 trên cao xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở; điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy, có tổng chiều dài 3,8km, quy mô mặt cắt ngang 19m, là đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80km/h, nghiên cứu đồng bộ các nút giao theo quy hoạch.
Đường Vành đai 2 được xem là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội, có tổng chiều dài 43,6km và chạy qua các điểm như: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - KCN Hanel - Vĩnh Tuy.
Hai cầu vượt sông Hồng trên đường vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.
Thời điểm hiện tại, đường Vành đai 2 đã thông suốt toàn bộ các đoạn đi qua ngoại thành, trong nội thành chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay), với chiều dài gần 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.
Trong khi đó, ở khu vực nội đô, các đoạn đã hoàn thiện của đường Vành đai 2 đã góp phần 'cứu nguy' tình trạng ùn tắc giao thông khá nhiều. Đơn cử phải kể đến như tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở, sau khi được khởi công xây dựng vào tháng 4/2018 với tổng kinh phí khoảng 9.400 tỷ đồng đã giảm được tình trạng ùn tắc một cách rõ rệt.
Trục đường Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được xem là 'điểm đen' giao thông của Thủ đô, hiện đã được giải quyết phần nào nhờ đường Vành đai 2 trên cao cũng như dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Mặc dù vậy, đoạn nút giao Ngã Tư Sở hiện vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn giờ cao điểm do các phương tiện khi đang đi trên đường Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Trường Chinh lại phải xuống thấp (đoạn qua Láng) tạo thành nút thắt cổ chai gây nên xung đột giao thông. Do đó, việc triển khai 4km đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy được xem là 'mảnh ghép' quan trọng cho toàn bộ dự án.
Đoạn Vành đai 2 từ Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy có chiều dài 6,4km với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng sau khi được khánh thành cũng đã giúp giải tỏa được áp lực giao thông cho tuyến đường từ Phạm Văn Đồng và cầu Thăng Long, góp phần rút ngắn thời gian quãng đường đi từ Nhật Tân đến Cầu Giấy.
Tuyến đường Vành đai 2 được xem là 1 trong số 7 tuyến đường vành đai của TP. Hà Nội. Đây là dự án lớn, được xây dựng trong vòng 20 năm với tổng kinh phí hơn 2 tỷ USD. Một số công trình điển hình của đường vành đai 2 như: Cầu Nhật Tân (13.500 tỷ đồng); đường Hoàng Sa - Trường Sa (6.600 tỷ đồng); đường Võ Chí Công (hơn 6.600 tỷ đồng); nút giao trung tâm Q. Long Biên (2.800 tỷ đồng)...
Không chỉ người dân mong mỏi tuyến đường nhanh chóng hoàn thành để khắc phục tình trạng ùn tắc đường mà các chuyên gia giao thông cũng nhận định về tính cấp thiết của dự án này trong việc "cứu nguy" cho tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở cũng như đồng bộ hạ tầng cho toàn tuyến Vành đai 2.