Vì sao Hàn Quốc siêt mạnh luật đầu cơ nhưng 30 người lại sở hữu được tới gần 8.000 căn hộ?
Mặc cho những nỗ lực tăng thuế phí của Chính phủ Hàn Quốc chống đầu cơ bất động sản, nhiều người vẫn bất chấp mua nhà.
Theo thống kê chi tiết của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải tại Hàn Quốc, 30 người kể trên thuộc top những người “quen mặt” trong giới thị trường nhà đất. Chỉ trong vòng 5 năm kể từ năm 2018 đến tháng 6/2023, họ đã mua tổng cộng 7.996 bất động sản.
Báo Korean Times cũng đã đưa tin, tổng giá trị của gần 8.000 căn nhà nói trên có giá trị khoảng 1.190 tỷ won (897,37 triệu USD). Người sở hữu nhiều nhất là 792 căn với giá trị 115,6 tỷ won. Người mua nhiều thứ 2 sở hữu 709 căn nhà, trị giá 115,1 tỷ won.
24 trong 30 người này chủ yếu mua nhà ở Seoul, Incheon và tỉnh Kyunggi - những nơi thị trường bất động sản sôi động nhất xứ sở Kim Chi.
Thị trường bất động sản Hàn Quốc đang có sức mua khủng khiếp, chỉ 30 người sở hữu gần 8000 căn hộ chỉ trong 5 năm.
Trước đây, Chính phủ Hàn Quốc đã có rất nhiều chính sách nhằm hạn nhiệt và triệt hạ các nhà đầu cơ bất động sản bởi họ khiến vô số thanh thiếu niên không đủ tiền mua nhà, ảnh hưởng đến cả vấn đề hôn nhân, thúc đẩy kinh tế cùng nhiều hệ luỵ khác.
Hàn Quốc từng có quy định không có cá nhân nào được sở hữu quá 660m2 bất động sản. Nếu vượt con số này họ sẽ bị đánh thuế khoảng 7-11% tính trên giá thị trường của khoảng đất dư ra đó hàng năm cho đến khi chịu bán lại mới thôi. Đặc biệt, Hàn Quốc còn đánh thuế thu nhập trên lợi nhuận có được từ chuyển nhượng, giao dịch bất động sản. Với những người sở hữu nhà dưới 1 năm thì mức thuế này sẽ là 70%, dưới 2 năm là 60%.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đánh thuế lên phần lợi nhuận sử dụng đất nhằm hạn chế tình trạng mua đất đầu cơ kinh doanh. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Moon Jae In cũng tạp áp lực lên các quan chức bán bớt bất động sản thứ 2 nếu có của họ ở thủ đô Seoul.
Với hàng loạt những khoản thuế trên, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ giảm nhẹ được phần nào nạn đầu cơ nhà đất sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng chuyện chống đầu cơ vẫn chưa dừng lại ở đó.
Hồi đầu năm nay, Hàn Quốc đã bỏ một số quy định để chống đầu cơ nhà đất ở Seoul và một số khu vực lân cận trong bối cảnh thị trường địa ốc nước này có nguy cơ đóng băng do khó khăn kinh tế, lãi suất cao. Trước đó, Seoul và Gwacheon, Seongnam, Hanam, Gwangmyeong được coi là khu vực đầu cơ. Đồng thời, nước này cũng bỏ trần giá bán tại Seoul (trừ 4 quận Gangnam, Seocho, Songpa, Yongsan). Trần giá này được quy định từ cuối năm 2019 để hạn chế giá nhà đất tăng cao.
Lợi dụng điều này, tình trạng đầu cơ lại tăng lên vòn vọt. Chính vì vậy, các quan chức nước này đang đau đầu để nghĩ cách chống đầu cơ mà kinh tế vẫn phát triển.
Ông Min Hong-chul, thành viên Đảng Dân chủ đối lập (DPK), nói rằng số liệu trên cho thấy quy định về nhà ở Chính phủ Hàn Quốc nhằm chống lại tình trạng đầu cơ đất đai, cũng như kiềm chế giá nhà của Chính phủ không hiệu quả. Ông cho rằng Chính phủ phải theo đuổi chính sách phát triển cân bằng giữa các khu vực.
Đầu cơ bất động sản là vấn đề được các quốc gia quan tâm, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cụ thể, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa gửi đến Bộ KH-ĐT thẩm định, TPHCM đã có một số đổi mới. Kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng (phương án 1); hoặc thu thuế BĐS thứ hai trở lên (phương án 2) như tăng lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động này, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cụ thể, là tăng lệ phí trước bạ chuyển nhượng nhà, đất thứ hai lên 2% giá chuyển nhượng (hiện nay là 0,5%).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia bất động sản, nếu áp dụng một trong 2 phương án trên cần phải có tiêu chí đánh giá thuế một cách minh bach quy mô, giá trị địa tô, số lượng,... Điều đáng nói nhất ở đây là cần phân loại tài sản bất động sản khi đánh thuế. Không phải ai sở hữu trên 2 bất động sản cũng vì mục đích đầu cơ, nhiều trường hợp phục vụ sản xuất, kinh doanh tại ra giá trị cho xã hội.
Vì vậy, việc đánh thuế đối với cá nhân sở hữu từ bất động sản thứ 2 vẫn đang được bàn bạc và chưa đưa ra phương án cụ thể cho vấn đề này.