Vì sao nhân sự cấp cao bất động sản liên tục “nhảy việc“?
Với mức lương lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng, thì những áp lực mà các lãnh đạo quản lý trong lĩnh vực BĐS phải đối diện lại vô cùng lớn. Phải chăng đó là lý do khiến các nhân sự cấp cao liên tục nhảy việc?
Nhân sự cấp cao bất động sản: Thiếu và yếu?
Kinh doanh bất động sản là một ngành nghề kinh doanh đặc thù. Nó khác với những ngành nghề kinh doanh khác bởi tốc độ “đào thải” rất nhanh, đến chóng mặt. Thị trường thay đổi liên tục, khi “nóng sốt” và khi thì “đóng băng” khó có thể lường trước. Những dự án của doanh nghiệp đã và đang triển khai không phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại thời điểm mở bán, doanh thu sụt giảm, thiếu nguồn tài chính triển khai dự án, doanh nghiệp gặp vấn đề về pháp lý dự án hay khủng hoảng truyền thông đều ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí lãnh đạo cao cấp.
Vậy nên, áp lực dành cho nhân sự cao cấp luôn luôn lớn và không phải ai cũng chịu nổi áp lực ấy...
Khảo sát thực hiện năm 2020 của Công ty Tư vấn bất động sản Vietrees đánh giá: Nhân lực làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam hiện còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. "Tình trạng thiếu hụt không chỉ diễn ra ở nhân sự cấp cao mà gần như là thiếu hụt ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến sản phẩm và dịch vụ bất động sản", báo cáo nêu.
Có một thực tế rằng trong vài năm trở lại đây, song hành với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp bất động sản thì cũng là sự biến động liên tục với vị trí lãnh đạo chủ chốt của lĩnh vực này. Tại một tập đoàn lớn, tổng giám đốc mới được bổ nhiệm chỉ sau 11 tháng đã từ nhiệm. Hay vị trí tổng giám đốc của một tập đoàn khác cũng nhanh chóng thay người trong vòng 3 tháng. Và câu chuyện cũng không quá xa lạ khi lãnh đạo của tập đoàn này sau khi từ nhiệm lại xuất hiện tên tuổi trong danh sách lãnh đạo của một tập đoàn khác. Một số gương mặt cấp cao đã "nhảy việc" tới 4 lần chỉ trong vài năm.
Với khoảng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường hiện nay, thì hóa ra lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp lại chỉ loanh quanh, biến động vị trí ở tần số dao động xấp xỉ 20 ấy.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Phó Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Hanita Master, Giảng viên Viện chính sách kinh tế và kinh doanh (ĐH Tôn Đức Thắng) cho hay: "Nhiều ý kiến cho rằng nhân sự cao cấp ngành này vừa yếu, vừa thiếu là… hoàn toàn đúng. Tôi còn nhớ, những năm 2003 - 2004 chúng tôi là những thế hệ đầu tiên của ngành quản lý bất động sản (ĐH Nông Lâm TP.HCM), khi đó trên cả nước vẫn chưa có trường đại học nào đào tạo ngành này một cách bày bản. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp những người bạn của chúng tôi “trụ” lại ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi sự thải hồi khốc liệt của nó".
Theo đó, để có được góc nhìn toàn cảnh của thị trường, của ngành nghề và hội đủ những kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm thì mỗi nhân viên phải trải qua ít nhất từ 8 - 10 năm làm việc cho các chủ đầu tư khác nhau. "Nếu chỉ làm việc cho một chủ đầu tư và chỉ có kinh nghiệm dành cho một phân khúc sản phẩm thì số năm hội đủ kiến thức của ngành dành cho lãnh đạo cao cấp đó sẽ kéo dài và lâu hơn", ông Hậu cho hay.
Lý giải về việc số lượng lãnh đạo cao cấp trong ngành gần như không tăng thêm trong hơn một thập kỷ qua có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần xuất phát từ việc chủ quản lý doanh nghiệp hiếm khi đào tạo đội ngũ “kế thừa” trong nội bộ doanh nghiệp mà phải thuê bên ngoài liên tục.
"Nhân sự lãnh đạo cao cấp ngoài kinh nghiệm lâu năm trong ngành kinh doanh bất động sản, còn phải am tường nghiệp vụ chuyên môn đa lĩnh vực, từ: Tái cấu trúc doanh nghiệp, quản trị tài chính, hiểu, cập nhật và vận dụng tốt các hệ thống Luật liên quan đến bất động sản… Nếu nhân sự không được đào tạo bài bản hay không trau dồi khả năng tự học, tự nghiên cứu thì cũng sẽ không thành công được với nghề này", ông Hậu nhìn nhận.
Thừa nhận rằng lãnh đạo cao cấp ngành kinh doanh bất động sản đang rất thiếu, nhân sự lâu năm trong ngành, am tường đa lĩnh vực lại càng thiếu trầm trọng hơn trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoài ngành và doanh nghiệp mới liên tục tham gia thị trường kinh doanh bất động sản. Do vậy, ông Hậu cho hay, không có gì ngạc nhiên khi hôm nay thấy ông A làm lãnh đạo doanh nghiệp X, ngày mai làm sếp lớn doanh nghiệp Y.
"Điều đặc biệt, lãnh đạo ngành kinh doanh bất động sản khó thành công với ngành nghề khác và ngược lại, những nhân sự lãnh đạo ngành nghề khác lại hiếm khi thành công khi làm lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Điều này đã lý giải vì sao nhân sự cao cấp của ngành này thường chỉ là luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác", vị chuyên gia phân tích.
Có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng thiếu hụt nhân sự cấp cao lĩnh vực bất động sản được vị chuyên gia chỉ ra:
Thứ nhất, do sự phát triển quá nhanh của thị trường bất động sản cùng các doanh nghiệp bất động sản khiến cho công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này không thể theo kịp, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn lực, nhất là nhân lực quản lý.
Thứ nhất, doanh nghiệp ít hoặc không chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức lẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các nhân sự trong hệ thống doanh nghiệp. Do đó, không có được đội ngũ lành nghề và giỏi chuyên môn “kế thừa” những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp.
Hậu biến động khi nhân sự cấp cao "nhảy việc"?
Theo báo cáo khảo sát lương các ngành nghề năm 2020 “Vietnam Salary Guide 2020” của Công ty Tư vấn nhân sự First Alliances, bất động sản là một trong những ngành có mức lương hấp dẫn nhất trên thị trường. Cụ thể, trong ngành bất động sản và xây dựng, mức lương được trả cao nhất cho vị trí Giám đốc dự án (người nước ngoài) (trên 15 năm kinh nghiệm) với mức lương từ 15.000 - 20.000 USD/tháng (tương đương 345 triệu đồng - 460 triệu đồng) tại TP.HCM; 7.000 - 15.000 USD/tháng (161 triệu đồng - 345 triệu đồng) tại Hà Nội.
Bất động sản vốn được biết đến là một ngành "làm giàu không khó" và xa hoa khi từ những nhân viên môi giới đã xuất hiện rất lịch thiệp, sang trọng, gắn liền với hình ảnh xa hoa. Và như con số khảo sát cho thấy, mức lương của lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực này cũng rất ấn tượng. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao với mức lương ấy các lãnh đạo vẫn thường xuyên "nhảy việc" và đặc biệt, việc thay đổi một lãnh đạo cấp cao sẽ kéo theo việc phải thay đổi cả về kế hoạch, chiến lược cho dự án.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu cho hay: "So với các ngành nghề khác, ngành kinh doanh bất động sản là ngành nghề mà các nhân viên kinh doanh có “cơ hội” lớn nhất để có được mức thu nhập cao ngất ngưỡng. Tôi nhấn mạnh ở hai từ “cơ hội” chứ không có chuyện cam kết lương/thưởng cao “chót vót” như một số lời mời gọi của các sàn môi giới.
Và đối với nhân sự cao cấp làm việc cho các chủ đầu tư lớn thì mức lương hàng trăm triệu mỗi tháng không phải là chuyện hiếm. Trung bình, tổng thu nhập mỗi tháng của lãnh đạo cao cấp lên đến vài tỷ đồng cũng không phải là điều gì đó quá lạ lẫm, chưa kể đến cơ hội sở hữu bất động sản giá ưu đãi dành cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, mức thu nhập tỷ lệ thuận với áp lực mà họ phải gánh vác. Thu nhập càng nhiều thì áp lực càng lớn…".
Một thực tế cần nhìn nhận là sự thiếu hụt nhân sự cấp cao đối với lĩnh vực bất động sản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp khi liên tục phải thay đổi chiến lược cho phù hợp với nhân sự mới, mà điều này còn là một rào cản cho quá trình vận động phát triển của thị trường bất động sản nói chung.
Được biết, để đối phó với tình trạng khan hiếm nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp cùng ngành bằng phương thức đưa ra mức lương và phúc lợi hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị đã chọn phương án thu hút nhân lực từ nước ngoài để làm việc cho mình hoặc cử nhân viên của mình sang nước ngoài để theo học các lớp đào tạo chuyên ngành về bất động sản nhằm bù đắp những mặt còn yếu.
Nhưng điều ấy cũng lại khiến doanh nghiệp đối mặt với nỗi lo rằng sau khi đào tạo được lớp cán bộ kế cận có chất lượng tốt thì họ lại sớm "nhảy việc" bởi nhiều lý do.
Vậy nên, để đào tạo và giữ chân các lãnh đạo cấp cao của lĩnh vực bất động sản sẽ là câu chuyện dài hơi đối với doanh nghiệp và bản thân các lãnh đạo, để sự song hành phát triển là ổn định và lâu bền, để cho các lãnh đạo cấp cao không mỗi năm làm việc ở một doanh nghiệp, tập đoàn. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong câu chuyện xóa cờ chơi lại với những chiến lược đầu tư, phát triển mà nó còn gây ra sự hoang mang và mất niềm tin cho thị trường cũng như nhà đầu tư, bởi: Chắc phải vì lý do gì hay có vấn đề gì ở doanh nghiệp mà nhân sự cấp cao mới "nhảy việc"?!