Vì sao ‘sợi dây huyết mạch’ gần 22.000 tỷ đồng nối Khánh Hoà với Buôn Ma Thuột có khả năng chậm tiến độ?

Tuyến cao tốc này đã khởi công từ tháng 6/2023 và đến nay đã giải phóng mặt bằng dự án 1 đạt 74%, dự án 2 đạt 72%, riêng dự án 3 đạt 98%.

Hiện nay, việc thi công trên công trường cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa đang chậm tiến độ vì lý do thời tiết. Dẫn tin từ báo Lao động, đại diện Tập đoàn Sơn Hải (một nhà thầu thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) chia sẻ: "Nhiều ngày qua, trên công trình đoạn qua địa bàn huyện Ea Kar liên tục có mưa to. Việc này đã khiến cho các phương tiện thi công của nhà thầu không thể vận hành đào đắp đất được.

"Do đó, những ngày vừa qua, chúng tôi chỉ làm những hạng mục phụ trợ chứ chưa thể thi công trục đường chính. Nếu tình hình này kéo dài sẽ hết sức khó khăn cho nhà thầu trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án" - đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết thêm.

Vì sao ‘sợi dây huyết mạch’ gần 22.000 tỷ đồng nối Khánh Hoà với Buôn Ma Thuột có khả năng chậm tiến độ? - Ảnh 1

Tuy nhiên, không chỉ có mỗi yếu tố thời tiết khiến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột “ì ạch”, mà còn một nguyên nhân khác đến từ việc chuyển đổi đất rừng.

Cụ thể, dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 do Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án này dài hơn 36km và có đến 135ha rừng và đất rừng. Trong đó, khối lượng công việc bao gồm: 36 cây cầu, 4 đường hầm qua núi, 20 cống hộp, hầm chui qua đường...

Hiện, trên công trường dự án thành phần 2 có hơn 400 máy móc, thiết bị và khoảng 700 con người đang sẵn sàng thi công công trình. Tuy nhiên, ở nhiều vị trí việc thi công chưa được thực hiện vì vướng phải đất rừng chưa được chuyển đổi.

Liên quan đến việc này, ông Phan Tất Thành - Giám đốc điều hành dự dự án thành phần 2 xác nhận, hiện đã có 90ha rừng trồng và đất lâm nghiệp do cá nhân quản lý đã cơ bản bồi thường, hỗ trợ và bàn giao xong mặt bằng. Riêng 45ha rừng tự nhiên (khoảng 10km) đến nay chưa được bàn giao mặt bằng. Đơn cử như gói thầu do Tập đoàn Đạt Phương thi công có toàn bộ diện tích mặt bằng nằm trên diện tích rừng tự nhiên. Thế nên, gần 1 năm nay nhà thầu chưa thể triển khai thi công. Để phục vụ vật liệu cho gói thầu, Ban Quản lý dự án 6 đã xin cấp phép 1 mỏ đá, 1 mỏ cát theo cơ chế đặc thù.

Hiện tại, Ban Quản lý dự án 6 đã giao cho CTCP 484 triển khai thực hiện tại thôn 6B, xã Ea Păl, huyện Ea Kar để cung cấp cho toàn bộ dự án thành phần 2. Tuy nhiên, hiện mỏ đá nêu trên vẫn chưa được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất nên chưa thể tổ chức khai thác.

Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản với tổng mức đầu tư 5.333 tỷ đồng. Dự án 2 do Bộ GTVT làm chủ quản với mức đầu tư 10.436 tỷ đồng, dự án 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản với tổng mức đầu tư 6.165 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc này đã khởi công từ tháng 6/2023 và đến nay đã giải phóng mặt bằng dự án 1 đạt 74%, dự án 2 đạt 72%, riêng dự án 3 đạt 98%.

Phương Hà

Theo Chất lượng và Cuộc sống