Vì sao trung tâm thể dục thể thao nghìn tỷ ở TP. HCM chưa thể khởi công?
Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM đã khảo sát tiến độ đầu tư xây dựng dự án xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Tại hiện trường, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống cây cỏ mọc quá đầu người được chủ đầu tư quây kín bằng hàng rào tôn.
Khu đất "vàng" Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có diện tích hơn 14.000m2, thuộc địa bàn quận 3 - TP. HCM. Với vị trí giáp 4 mặt tiền đường: Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần, khu đất này được đánh có giá có trị trí đắc địa tại TP.
Nhà thi đấu trước đây được xây dựng mới lần đầu và đi vào hoạt động năm 1985 nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện thể thao quan trọng: World Cup bóng bàn 1992, World Cup cầu lông 1994, Giải Vô địch Taekwondo châu Á 2000, Giải Vô địch Bóng chuyền nữ châu Á 2003, gần 20 mùa giải bóng bàn Cây vợt vàng cùng vô số giải thi đấu đỉnh cao khác... Sau hơn 30 năm hoạt động với nhiều lần tu bổ, nhà thi đấu xuống cấp khá nhiều.
Năm 2017, TP quyết định tháo dỡ nhà thi đấu cũ, triển khai xây dựng Trung tâm TDTT đa năng hiện đại Phan Đình Phùng. Theo đó, công trình mới sẽ bao gồm 2 khối: Cụm Nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng. Ngoài 2-3 tầng hầm để xe cùng với một tầng dành cho khối văn phòng, điểm nhấn của cụm NTĐ chính chính là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có chu vi 40 x 60 m, bảo đảm tiêu chuẩn tổ chức tất cả các môn thể thao trong nhà, kể cả môn cần nhiều mặt bằng nhất cùng lúc là thể dục dụng cụ... Tổng kinh phí đầu tư khi đó là 1.500 tỷ đồng.
Khu đất xây dựng TT TDTT Phan Đình Phùng hiện vẫn quây kín tôn của nhà đầu tư sau 5 năm tháo dỡ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, năm 2017 dự án thực hiện theo hợp đồng BT. Năm 2018, UBND TP phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Theo quy định mới, dự án được chuyển tiếp theo phương thức đối tác công - tư.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2019, theo chủ trương chung, cơ sở pháp lý liên quan đến hợp đồng dạng BT lúc đó chưa chặt chẽ, cần có bổ sung, điều chỉnh, đặc biệt liên quan tài sản công để thanh toán cho hợp đồng BT.
Do đó từ 2018 đến năm 2020, các vấn đề pháp lý vẫn đang được hoàn thiện nhằm điều chỉnh hợp đồng BT. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP “quy định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao”. Nghị định này quy định rõ hơn về việc sử dụng đất công để thanh toán hợp đồng BT.
Hiện nay, trong quy định mới, không còn quy định hình thức hợp đồng BT nữa. Tuy nhiên, quy định của pháp luật vẫn cho chuyển tiếp các dự án đã được lựa chọn nhà đầu tư. Bởi vậy, các cơ quan chức năng TP. HCM đã đề xuất bốn vị trí đất để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.
Đó là các khu đất 257 Trần Hưng Đạo, khu đất số 3-3bis Phan Văn Đạt (quận 1), khu đất 181 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và khu đất số 72/2B đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức).
Hiện trừ khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP. HCM dùng để thanh toán hợp đồng BT, các khu đất còn lại đều phải chờ ý kiến của Ban chỉ đạo 167 TP. HCM về phương án sắp xếp nhà, đất công.
Sau khi được Ban chỉ đạo 167 thông qua, UBND TP sẽ trình đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc dùng ba lô đất trên để thanh toán hợp đồng BT.
Đại diện nhà đầu tư dự án (liên danh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt) cho biết sẽ kiên trì cùng các cơ quan chức năng của TP hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM khẳng định, đây là dự án nằm ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh, được các tầng lớp người dân và ngành thể thao rất mong đợi. Do đó, đề nghị Sở VH&TT tích cực đeo bám để lãnh đạo TP chỉ đạo sâu sát, kịp thời...