Vì sao vốn ngoại đang “đổ” mạnh vào thị trường bất động sản Bình Dương?
Thị trường bất động sản (BĐS) Bình Dương vẫn đang là điểm đến được dòng vốn đầu tư quốc tế ưa chuộng khi nhiều dự án mới chuẩn bị triển khai tại đây đều có dấu ấn của dòng vốn ngoại.
Sức hút của Bình Dương
Cách TP. HCM khoảng 30 km về phía bắc, Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương có thị trường bất động sản năng động nhờ phát triển kinh tế - xã hội nhanh bậc nhất khu vực Nam Bộ. Nói tới thị trường bất động sản Bình Dương là nhắc tới một đại đô thị thông minh, hiện đại, là quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội đồng bộ và hấp dẫn hút dòng vốn đầu tư nước ngoài...
Có thể nói, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam, đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sinh thái và đô thị thông minh với quy hoạch mới đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch này, tỉnh sẽ chia thành ba vùng động lực chính: vùng cửa ngõ, vùng lõi trung tâm và vùng đô thị phía Bắc. Tổng diện tích dành cho công nghiệp đô thị là 18.500ha, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao.
Ba vùng động lực Bình Dương có thể nói đến là:
Vùng Cửa Ngõ: Nằm ở phía Nam tỉnh, đây sẽ là khu vực đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với TP.HCM và các tỉnh lân cận. Vùng này sẽ được phát triển với các khu công nghiệp hiện đại, trung tâm logistics và các khu đô thị mới. Gồm thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An
Vùng Lõi Trung Tâm: Đây là khu vực phát triển đô thị chính, bao gồm thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát và huyện Bàu Bàng. Vùng này sẽ tập trung vào phát triển các khu đô thị thông minh, khu công nghệ cao và các trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại.
Vùng Đô Thị Phía Bắc: Khu vực này sẽ tập trung phát triển các khu công nghiệp sinh thái và khu đô thị mới. Đây cũng là nơi tập trung nhiều dự án phát triển công nghiệp xanh, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Gồm huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng và huyện Bắc Tân Uyên.
Để giải quyết bài toán khó ban đầu về nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp, vào năm 1997, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề ra quyết sách huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua việc phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế. Về giao thông, năm 1997, chính quyền tỉnh Bình Dương đã giao Tổng công ty Becamex IDC thực hiện đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 13 theo phương thức BOT đầu tiên trên cả nước trong lĩnh vực giao thông.
Sự vào cuộc của doanh nghiệp đã giúp dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sớm hoàn thành với chiều dài 62 km có sáu làn xe nối Thành phố Hồ Chí Minh qua Bình Dương và đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay). Tuyến đường huyết mạch này giúp kết nối từ tỉnh Bình Dương đến Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, sân bay và cảng quốc tế, tạo thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư và tạo động lực cho tỉnh Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển.
Từ thành công của việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành tại Bình Dương thông qua nguồn lực xã hội hóa, như: Dự án mở rộng đường ĐT 741 kết nối tỉnh Bình Dương đến tỉnh Bình Phước, dự án mở rộng cầu Phú Cường và đường Huỳnh Văn Cù kết nối với huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh); các dự án giao thông liên tỉnh kết nối về hướng tỉnh Đồng Nai và về hướng Tây Ninh... Các dự án này góp phần đánh thức các vùng đất tiềm năng như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thúc đẩy kinh tế công nghiệp bứt phá.
Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, nhất là sau khi Tổng công ty Becamex IDC hợp tác Tập đoàn Sembcorp (Singapore) vào năm 1996 cùng xây dựng một mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu tại Việt Nam. Từ đây, các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) được hình thành, lan tỏa, thúc đẩy nhiều khu công nghiệp mới tại Bình Dương ra đời. Năm 1997, tỉnh Bình Dương có bảy khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 1.500 ha, thì đến nay, tỉnh đã có 29 khu công nghiệp được phân bố ở nhiều huyện, thị xã, thành phố với diện tích 12.663 ha, trong đó có 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động có tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2%.
Với quy hoạch mới đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Bình Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sinh thái và đô thị thông minh hàng đầu của Việt Nam. Việc chia tỉnh thành ba vùng động lực cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao sẽ tạo nên một môi trường sống và làm việc hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Hút các dự án tỷ USD
Với vị trí liền kề TPHCM, Bình Dương có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi năm, địa phương này thu hút hàng triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng nửa đầu năm nay, tỉnh thu hút 825 triệu USD vốn FDI, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TPHCM và Hà Nội.
Thị trường bất động sản Bình Dương trong vài năm trở lại đây cũng bộc lộ những điểm hấp dẫn mới với nhà đầu tư nước ngoài, tạo lập nguồn cung thay thế TPHCM đang ngày càng khan hiếm.
Báo cáo thị trường TPHCM và vùng phụ cận nửa đầu năm của DKRA Group chỉ ra, nguồn cung mới căn hộ tại Bình Dương chiếm gần 39% tổng nguồn cung mới toàn thị trường.
Các giao dịch tập trung ở những dự án tầm giá 30-35 triệu đồng/m2 mà TPHCM không có. Phần lớn giao dịch là những dự án đã hoàn thiện pháp lý, tiến độ xây dựng nhanh, giao thông thuận tiện kết nối về trung tâm TPHCM.
Ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam - nói rõ hơn, căn hộ dưới 3 tỷ đồng ngày càng khan hiếm nguồn cung tại TPHCM, chỉ chiếm 18% nguồn cung sơ cấp trong nửa đầu năm. Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế có thể dẫn đến sự dịch chuyển nguồn cầu ra các khu vực lân cận. Bình Dương, với cơ sở hạ tầng ngày càng mở rộng, sẽ giúp cải thiện nguồn cung căn hộ bình dân trong 3 năm tới.
Trong bối cảnh thị trường đầy tiềm năng, gần đây Bình Dương liên tục thu hút các nhà đầu tư ngoại công bố làm dự án nhà ở mới. Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án gần 50ha nằm trên Quốc lộ 13, cửa ngõ của Bình Dương, nối liền với TPHCM.
Mức đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD, trong đó 3 nhà đầu tư Nhật Bản (Tập đoàn Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và Công ty phát triển đô thị NTT) góp 49% vốn còn doanh nghiệp Việt Nam (Công ty Địa ốc Kim Oanh) góp 51% vốn.
Doanh nghiệp đến từ Nhật Bản khác là Cosmos Initia (Thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu Group cũng cùng một doanh nghiệp trong nước (Công ty Đầu tư TTCapital) tuyên bố đầu tư khoảng 150 triệu USD để làm khoảng 5.000 căn hộ vừa túi tiền tại Bình Dương. Dự án đầu tiên được góp vốn tại TP Dĩ An, quy mô gần 2.000 căn.
Tập đoàn CapitaLand (Singapore) vừa qua cũng khởi công dự án bất động sản hơn 500 triệu USD (trên 13.600 tỷ đồng). Dự án này có diện tích gần 19ha, được tập đoàn của Singapore mua lại từ Tổng công ty Becamex IDC. Hay tại TP Thủ Dầu Một, Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia) cũng đang thực hiện dự án nhà ở 117 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng) trên diện tích 5,6ha.
Bình Dương hiện là tỉnh có tỷ lệ di cư tới sinh sống rất cao, lên đến 200%, nghĩa là 5 người tới làm việc tại Bình Dương thì chỉ có 1 người đi ra khỏi địa bàn. Trong số lượng di cư tới thì có hơn 50% là chưa có nhà ở, do đó, nhu cầu về nhà ở phát sinh liên tục, trong khi nguồn cung ra thị trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này tạo ra sức cầu lớn khiến giá bất động sản Bình Dương liên tục tăng trong các năm qua.