Việt Nam sẽ sớm xây dựng 'cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á' thứ 2, dự kiến chi phí vượt 12.000 tỷ đồng

Hiện nay, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có vai trò kết nối toàn khu vực, góp phần phát huy tối đa lợi thế biển.

Cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải, còn được biết đến với tên gọi Tân Vũ - Lạch Huyện, là công trình vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện là công trình vượt biển dài nhất Đông Nam Á hiện nay. Ảnh: Hoàng Phương/Báo Thanh Niên  
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện là công trình vượt biển dài nhất Đông Nam Á hiện nay. Ảnh: Hoàng Phương/Báo Thanh Niên  

Cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, có tổng chiều dài 15,63km. Được khởi công vào tháng 2/2014 và hoàn thành vào tháng 9/2017, cầu Đình Vũ - Cát Hải được thiết kế với tốc độ tối đa lên đến 80km/h.

Công trình có vai trò kết nối với toàn khu vực nói chung; góp phần tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Việc đưa công trình đường và cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện vào sử dụng góp phần phát huy tối đa lợi thế biển của Hải Phòng. Ảnh: Cổng Tin tức TP. Hải Phòng  
Việc đưa công trình đường và cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện vào sử dụng góp phần phát huy tối đa lợi thế biển của Hải Phòng. Ảnh: Cổng Tin tức TP. Hải Phòng  

Tuy nhiên, trong hội nghị trực tuyến Chính phủ hồi ngày 2/7/2018, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, sau khi đưa vào sử dụng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và khánh thành 2 bến cảng tại Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng, cùng với việc phát triển du lịch tại đảo Cát Bà, phát triển công nghiệp tại đảo Cát Hải, xuất hiện tình trạng quá tải qua cây cầu vượt biển dài nhất nước ta.

Theo dự báo, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng dự kiến đến năm 2030 sẽ có công suất tối đa đạt khoảng 125 triệu tấn/năm, đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn.

Bên cạnh đó, khách du lịch đến Cát Bà thời gian qua liên tục tăng mạnh. Dự báo đến năm 2030, lượng du khách đến Cát Bà lên tới hơn 10 triệu lượt/năm.

Các số liệu về nhu cầu vận tải và du lịch này đều vượt so với dự kiến của tiến trình đầu tư trước đây. Vì thế, theo TP. Hải Phòng, cần phải nghiên cứu đầu tư, sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2.

Vì thế, từ năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng - đã đề nghị Chính phủ cho phép thành phố xây thêm một cây cầu vượt biển nối đất liền với huyện đảo Cát Hải (cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2).

TP. Hải Phòng đã đề xuất xây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2 từ năm 2018. Ảnh minh họa  
TP. Hải Phòng đã đề xuất xây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2 từ năm 2018. Ảnh minh họa  

Cùng với đề nghị Thủ tướng Chính phủ, TP. Hải Phòng cũng đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thống nhất quy mô, hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2.

Theo đó, qua khảo sát, lựa chọn phương án đầu tư, UBND TP. Hải Phòng dự kiến chọn phương án thiết kế cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 đặt về phía Bắc, song song với cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hiện tại. Điểm đầu tại nút giao Tân Vũ (giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Km 100+891), điểm cuối tiếp giáp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Sau khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ và tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương liên quan, TP. Hải Phòng thể hiện quyết tâm sớm xây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 bằng việc bổ sung dự án vào Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 2/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Quyết định, dự án đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 trên địa bàn quận Hải An và huyện Cát Hải nằm trong danh sách các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030.

Theo văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hải Phòng về việc xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, do cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của TP. Hải Phòng, nên khi được Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, địa phương sẽ triển khai lập chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án làm cơ sở triển khai đầu tư.

Theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện dự án xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 và đường dẫn 2 bên đầu cầu, TP. Hải Phòng sẽ phải bố trí số vốn không ít hơn vốn đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và đường dẫn trước đó (gần 12.000 tỷ đồng).

TP. Hải Phòng sẽ phải bố trí nguồn vốn "khủng" nếu thực hiện xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2. Ảnh: TTXVN  
TP. Hải Phòng sẽ phải bố trí nguồn vốn "khủng" nếu thực hiện xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2. Ảnh: TTXVN  

Cuối tháng 4 vừa qua, trong chuyến làm việc nhằm thu hút đầu tư tại Hàn Quốc, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng và đoàn công tác của Thành phố đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - KEXIM Bank về việc hỗ trợ nguồn vốn vay ODA triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng địa phương dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Tại cuộc làm việc, ông Lê Tiến Châu thông tin, TP. Hải Phòng ưu tiên quan tâm đầu tư mở rộng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 và đường dẫn hai đầu cầu; đầu tư xây dựng các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 và tuyến đường kết nối từ cầu Rào 3 đến quận Đồ Sơn; trục đường Lạch Tray - Hồ Đông…

Vì thế, TP. Hải Phòng đề nghị KEXIM Bank hỗ trợ cung cấp một phần nguồn vốn vay nhằm giúp địa phương thực hiện những dự án quan trọng. Qua đó, góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông đồng bộ giúp phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Vĩ Hạ

Theo Chất lượng và Cuộc sống