Việt Phát trúng gói thầu hơn 3.300 tỷ: Doanh thu kỷ lục, lợi nhuận như 'muối bỏ bể'

Mặc dù liên tục kiếm được những hợp đồng kinh doanh giá trị từ than nhiệt và thiết lập những kỷ lục doanh thu mới song lợi nhuận của Việt Phát vẫn chỉ như 'muối bỏ bể'. Giá vốn hàng bán cao khiến cho than nhiệt trở thành 'miếng bánh ngon' nhưng không hề 'dễ xơi' đối với 'ông trùm than cốc'.

Mới đây, ngày 3/6, Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HoSE: VPG) đã công bố nghị quyết ký kết hợp đồng bán than nhiệt giữa liên danh Việt Phát, Pine Energy Pte. Ltd và Tổng công ty Phát điện 1.

Việt Phát và liên danh vừa ký thêm hợp đồng cung cấp than nhiệt trị giá khoảng 3.332,6 tỷ đồng
Việt Phát và liên danh vừa ký thêm hợp đồng cung cấp than nhiệt trị giá khoảng 3.332,6 tỷ đồng

Theo đó, hợp đồng có thời hạn 18 tháng kể từ ngày ký, với giá trị tạm tính là 206,5 tỷ đồng và 123,9 triệu USD. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank hiện tại là 25.234 đồng/USD, ước tính, tổng giá trị hợp đồng nói trên lên tới khoảng 3.332,6 tỷ đồng. Đây cũng là hợp đồng mua bán than nhiệt đầu tiên trong năm 2024 của doanh nghiệp này.

Cần biết, kể từ khi đẩy mạnh khai thác mảng than nhiệt từ năm 2022, ‘trùm than cốc’ Việt Phát đã mang về hàng loạt các hợp đồng giá trị. Khởi đầu là gói thầu cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 trị giá 11.965,4 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đã trúng cùng Công ty CP Khoáng sản Đan Ka và Công ty SUEK AG.

Đến tháng 8/2023, Việt Phát cùng hai doanh nghiệp buôn than khác đến từ Indonesia là Pt Sumber Global Energy Tbk và Pt Bintang Mitra Semestaraya Tbk tiếp tục trúng gói thầu cung cấp than nhiệt cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với giá trị 6.023,7 tỷ đồng. Cuối năm, doanh nghiệp này lại ký thêm một hợp đồng bán than nhiệt trị giá 811,3 tỷ đồng với công ty con khác của PVN là Công ty CP Cung ứng Nhiên liệu Điện lực Dầu khí.

Đáng nói, mặc dù liên tục kiếm được những hợp đồng kinh doanh giá trị từ than nhiệt và thiết lập những kỷ lục doanh thu mới song lợi nhuận của Việt Phát vẫn chỉ như 'muối bỏ bể'.

Than nhiệt: 'Miếng bánh ngon’ nhưng 'khó xơi'

Việt Phát được thành lập từ năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải nội địa và nhanh chóng khẳng định được vị thế với hệ thống vận chuyển hàng rộng khắp cả nước.

Năm 2010, Việt Phát đã thực hiện một loạt các thay đổi quan trọng với định hướng kinh doanh mới, mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như kinh doanh thương mại, đầu tư, sản xuất… Bốn năm sau đó, doanh nghiệp đã vươn lên thành một trong những đơn vị ‘có tiếng tăm’ trong lĩnh vực khoáng sản như quặng sắt, than, titan… tại Việt Nam, đồng thời xác lập mức doanh thu lên tới hơn 700 tỷ đồng.

Việt Phát được biết đến với danh xưng 'ông trùm than cốc'
Việt Phát được biết đến với danh xưng 'ông trùm than cốc'

Hiện nay, tại thị trường này, Việt Phát được biết đến với danh xưng ‘ông trùm than cốc’ khi là nhà cung cấp đầu vào quan trọng bao gồm quặng sắt, than cốc luyện kim cho các nhà máy lớn như Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Luyện Kim Đen Thái Nguyên, Công ty CP Xây lắp điện I,… Chưa kể, doanh nghiệp đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như Daichu Corporation, Glencore International AG, Noble Resources International Pte. Ltd,... Mỗi năm, mảng khoáng sản mà cụ thể là than cốc mang về cho Việt Phát hàng ngàn tỷ đồng doanh thu.

Bước sang năm 2021, doanh nghiệp này bắt đầu phát triển mặt hàng kinh doanh mới là than nhiệt với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ và các vào các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN. Đến năm 2022, cùng với sự kiện trúng gói thầu gần 12.000 tỷ với Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Việt Phát ghi nhận gần 1.562 tỷ đồng doanh thu từ mảng than nhiệt. Trong lần đầu tiên ‘mang tiền về’ cho Việt Phát, mảng kinh doanh này đã chiếm tới 29% cơ cấu doanh thu, chỉ xếp sau mảng than cốc chủ lực.

Việt Phát bắt đầu ghi nhận doanh thu từ than nhiệt vào năm 2022
Việt Phát bắt đầu ghi nhận doanh thu từ than nhiệt vào năm 2022

Năm 2023 vừa qua, than nhiệt đã chính thức ‘soán ngôi’ than cốc trên báo cáo tài chính của Việt Phát khi mang về gần 2.788 tỷ đồng, đóng góp tới 44% vào cơ cấu doanh thu. Mặc dù ‘góp công lớn’ giúp Việt Phát xác lập mức doanh thu kỷ lục 6.338 tỷ đồng song mảng kinh doanh này lại chẳng thể giúp lợi nhuận của doanh nghiệp trở nên ‘dày dặn’ hơn. Thậm chí, lãi sau thuế còn giảm tới 69% so với năm 2022, từ mức 63 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 19 tỷ đồng.

Năm 2023, than nhiệt đã chính thức 'soán ngôi' doanh thu của than cốc trên báo cáo tài chính của Việt Phát
Năm 2023, than nhiệt đã chính thức 'soán ngôi' doanh thu của than cốc trên báo cáo tài chính của Việt Phát

Báo cáo tài chính của Việt Phát ghi nhận, giá vốn của than nhiệt lên tới 2.548 tỷ đồng, ở mức khá cao so với doanh thu, khiến cho lợi nhuận gộp bị ‘bào mòn’. Đáng nói, bản thân Việt Phát khi giải trình sự suy giảm của lợi nhuận sau thuế cũng cho hay, một trong những nguyên nhân là do sản lượng than nhiệt bán ra tăng cao, khiến doanh nghiệp cần huy động nhiều vốn, làm chi phí tài chính tăng tới 68,72% so với năm 2022.

Ba tháng đầu năm nay, than nhiệt tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng vượt trội lên tới 264% so với cùng kỳ, qua đó mang về 2.167 tỷ đồng doanh thu, đưa tổng doanh thu quý I của Việt Phát lên mức cao kỷ lục 3.244 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này lại không hề ‘dễ xơi’ khi giá vốn hàng bán thậm chí còn cao hơn trước, khiến lợi nhuận gộp ‘bốc hơi’ tới 98%, mạnh hơn cả mảng than cốc (87%) vốn được Việt Phát nhận định là đang gặp khó. Kết quả, sau cùng, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của doanh nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 1,8 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu và giá vốn hàng bán quý I/2024 của Việt Phát
Cơ cấu doanh thu và giá vốn hàng bán quý I/2024 của Việt Phát

Được biết, năm 2024, Việt Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, dù đã hoàn thành 31% chỉ tiêu doanh thu song doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được 1,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Doanh thu bất động sản lúc có lúc không

Tương tự mảng than nhiệt là bất động sản. Cần biết, Việt Phát đã bắt đầu 'lấn sân' sang lĩnh vực này kể từ năm 2017 và 'thâu tóm' không ít dự án giá trị. Một trong những dấu ấn đầu tiên là việc trúng gói thầu 3.23 “San nền phía ngoài đê tả sông Cấm và san nền từ đê tả sông Cấm đến đường trục chính Đông Tây” trị giá 219 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian đó, đơn vị liên kết của Việt Phát là Công ty CP Xây dựng Bất động sản Việt Phát đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Aeon Mall Việt Nam về việc đầu tư Dự án Trung tâm mua sắm AEON Mall Hải Phòng với tổng vốn đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng.

AEON Mall Hải Phòng, một trong những dự án bất động sản lớn của Việt Phát.
AEON Mall Hải Phòng, một trong những dự án bất động sản lớn của Việt Phát.

Đến năm 2022, 'trùm than cốc' nắm trong tay 4 dự án ‘vàng’ tại Hải Phòng, bao gồm: Khu nhà ở thương mại Việt Phát South City (hợp tác cùng Kosy) tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân quy mô hơn 2,4 ha và tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng; dự án Bắc Sông Cấm (76,5 ha); cụm công nghiệp Đò Nống tại An Dương, Hải Phòng (47 ha, 660 tỷ đồng); dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị tại 80 Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (800 tỷ đồng).

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn góp mặt tại một số dự án khác như: Toà nhà số 2 Trần Hưng Đạo tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát quy mô 10ha tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Hải Dương (10 ha, 257 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tiên Thanh (410,5 ha, 4.597 tỷ đồng),...

Đầu năm 2024, Việt Phát tiếp tục bắt tay với Aeon Mall Việt Nam triển khai dự án trung tâm thương mại lớn nhất miền Bắc tại phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng và một trung tâm thương mại quy mô 6.111 tỷ đồng tại phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đáng nói, dù nắm trong tay toàn như khu ‘đất vàng’ song mảng bất động sản chưa để lại quá nhiều dấu ấn đối với kết quả kinh doanh của Việt Phát khi doanh thu của mảng này là khá thất thường, lúc có, lúc không.

Hà Lê

Theo VietnamFinance