Vietcombank, Sacombank tăng tốc thanh lý bất động sản khu công nghiệp
Loạt ngân hàng như Vietcombank, Sacombank,... đẩy mạnh thanh lý bất động sản khu công nghiệp trong bối cảnh nợ xấu tăng chóng mặt.
Sacombank, Vietcombank,… ồ ạt rao bán bất động sản khu công nghiệp
Thời gian qua, hoạt động chào bán bất động sản khu công nghiệp của các ngân hàng diễn ra khá sôi động trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Tháng 10/2021 Tổng Công ty BĐS Công nghiệp Thành Thành Công, thành viên của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land – mã: SCR) đã đấu giá thành công 5 lô đất có tổng diện tích 293.749m2 do Sacombank sở hữu tại Khu công nghiệp Sóng Thần trị giá gần 2.000 tỷ đồng, nâng quỹ đất kho xưởng cho thuê lên hơn 500.000m2. Các lô đất này thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần có quy mô 178 hecta, tỉnh Bình Dương.
Trước đó, Sacombank đã nhiều lần mang ra đấu giá lô đất trên, với mức khởi điểm ban đầu hơn 2.300 tỷ đồng. Sau nhiều lần không thành công, giá khởi điểm trong đợt chào bán cuối tháng 10 chỉ còn 1.942 tỷ đồng và giá trúng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Được biết, lô đất có tổng diện tích là 6.327 m2 nằm tại ngã tư đường Hòa Bình - Tô Hiệu, thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Tân Phong. Sau này, lô đất được ủy quyền cho Sacombank toàn quyền định đoạt để xử lý nợ.
Lô đất này từng được chào bán với giá khởi điểm tới 413 tỷ đồng, sau đó giảm dần xuống còn 355 tỷ đồng trong lần đấu giá năm 2020. Công ty Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) ghi nhận một khoản ứng trước hơn 115 tỷ đồng cho Sacombank.
Mới đây, ngân hàng SCB chào bán trên website kho Phước Sơn tại phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cụ thể, lượng tài sản được SCB rao bán là quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất. Bao gồm 6 nhà kho, 2 phân xưởng, 2 nhà văn vòng và các công trình phụ trợ khác với tổng diện tích đất 100.900 m2, diện tích kho và văn phòng gần 66.700 m2, diện tích xây dựng là hơn 19.200 m2.
Toàn bộ diện tích tài sản nêu trên đều đang được sử dụng để cho thuê. SCB chào giá khởi điểm cho lượng tài sản trên là 830 tỷ đồng, giá bán có thể thương lượng trong quá trình đàm phán hợp đồng.
“Ông lớn” Vietcombank cũng phát mại nhiều tài sản bảo đảm gồm bất động sản khu công nghiệp để thu hồi nợ.
Cụ thể, ngày 3/11, Vietcombank vừa thông báo phát mại tài sản bảo đảm khoản nợ của CTCP Phú Tường GSF bao gồm 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích xây dựng từ 3.300 - 3.660 m2 nằm tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Cùng với đó là dây chuyền máy sạch, tuyển chọn và phân loại ngũ cốc, hệ thống máy móc thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của phòng hóa nghiệm và kiểm định chất lượng sản phẩm. Giá khởi điểm của toàn bộ lô tài sản bảo đảm này là hơn 24,5 tỷ đồng.
Vietcombank còn chào bán một loạt bất động sản và máy móc thiết bị của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam có giá trị gần 1.200 tỷ để thu hồi nợ vay. Trong đó, số bất động sản rao bán gồm hơn 70.000m2 đất khu công nghiệp và nhà xưởng gắn liền với đất tại KCN Việt Nam – Singapore II mở rộng, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và KCN VSIP II, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Mới đây nhất, Vietcombank thông báo phát mại 1 quyền sử dụng đất tại cụm công nghiệp xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Khu đất này có diện tích hơn 1.400m2 và có thời gian sử dụng đến tháng 9/2055. Vietcombank chào bán lô đất này với giá khởi điểm 13,9 tỷ đồng.
Nợ xấu thực tế sẽ 'lộ diện' sau 30/6/2022 ?
Thực tế, ngân hàng đẩy mạnh thanh lý bất động sản khu công nghiệp trong bối cảnh nợ xấu của các nhà băng có chiều hướng tăng mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Trong khi đó, thị trường bất động sản nói chung và bất động sản khu công nghiệp lại có nhiều tín hiệu tích cực và dự báo diễn biến sôi động trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính quý 3/2021 của Vietcombank cho thấy mặc dù dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm mới tăng 11,5%, nhưng dư nợ xấu đã tăng mạnh 108%, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 0,62% lên 1,16%.
Tính đến 30/9/2021, tài sản thế chấp tại Vietcombank ở mức 1,535 triệu tỷ đồng. Đáng nói, giá trị bất động sản thế chấp ghi nhận hơn 1,119 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm, chiếm tới 73% tổng tài sản thế chấp.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có thể Vietcombank sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu trong quý IV để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 1% như kế hoạch. Điều này cũng có thể thấy từ động thái tích cực rao bán tài sản bảo đảm ngân hàng từ đầu tháng 10 đến nay.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, bất động sản là tài sản đảm bảo chính cho phần lớn các khoản vay tại Vietcombank.
Hay tại Sacombank, tuy nợ xấu đã giảm song các khoản nợ tiềm ẩn vẫn có xu hướng tăng mạnh.
Cụ thể, tính đến 30/9/2021, chất lượng nợ vay cải thiện so với đầu năm khi tổng nợ xấu chỉ còn 5.568 tỷ đồng, giảm 4%. Có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn giảm 6% và nợ nghi ngờ giảm 5% sang nợ dưới tiêu chuẩn tăng 44% lên hơn 400 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,7% đầu năm xuống còn 1,56%.
Đáng nói, nợ cần chú ý tại Sacombank lại bất ngờ tăng vọt 130% so với đầu năm, lên hơn 1.809 tỷ đồng. Nợ cần chú ý dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2022, Chứng khoán SSI cho rằng một mốc thời gian quan trọng cần theo dõi là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến nay là 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức cuối năm 2020 là 1,69%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC tăng lên mức 3,9%, nếu tính cả nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 và nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ước đạt 7,31%. Do đó, Ngân hàng nhà nước xác định nợ xấu là thử thách lớn cần phải đối mặt trong năm 2022.