Vietnam Airlines muốn làm nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ sân bay Long Thành
Phía Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ chấp thuận về cơ chế giao hãng làm nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngày 28/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà đã chia sẻ nhiều khó khăn mà các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng phải đối mặt trong năm 2023.
Khó khăn bủa vây ngành hàng không
Theo ông Hòa, bên cạnh các vấn đề xung đột địa chính trị, tình hình suy thoái kinh tế của các nước và khu vực, hoạt động kinh doanh vận tải của các hãng hàng không cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi yếu tố đầu vào diễn biến rất bất lợi. Trong đó, giá nhiên liệu bay đang ở mức rất cao, cả năm 2023 khoảng 105 USD/thùng, vượt 30% so với năm 2019, làm chi phí của các hãng hàng không tăng nhiều nghìn tỷ đồng.
Theo ông Hòa, năm 2023, thị trường hàng không quốc tế phục hồi, diễn biến khá tích cực. Tuy vậy, tốc độ phục hồi ở những tháng cuối năm đang chậm hơn dự kiến, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á. Tính chung cả năm 2023, khách thị trường quốc tế ước đạt khoảng 30 triệu lượt, đạt gần 74% so với năm 2019.
Đối với thị trường nội địa, mặc dù quý I/2023 có phục hồi rất tốt, nhưng do ảnh hưởng của nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, thị trường chững lại ngay tại cao điểm hè năm qua và yếu dần về các tháng cuối năm. Như tháng 12/2023, thị trường sụt giảm 10% so với năm 2019. Cả năm 2023, tổng thị trường nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 7,5% so với năm 2019.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đến cuối năm 2023, hãng đã khôi phục được 90% mạng đường bay quốc tế, khôi phục hoàn toàn mạng đường bay nội địa, tiếp tục mở thêm các đường bay mới đến Ấn Độ, Úc. Tổng kết lại, hãng đã khai thác hơn 130.000 chuyến bay an toàn, vận chuyển trên 21 triệu lượt hành khách, giảm lỗ hơn một nửa so với năm 2022, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng.
Muốn sớm được thông qua đề án tái cơ cấu
Tại hội nghị, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn ngành du lịch trong sự kết nối với các ngành khác và cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc việc triển khai các chương trình cụ thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục các giải pháp ứng dụng công nghệ số, để đồng bộ hóa, chia sẻ và kiểm soát dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành… song song với việc đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng các cảng hàng không; tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường hỗ trợ chung cho ngành vận tải hàng không phục hồi.
Về quản lý điều tiết vĩ mô ngành hàng không, phía Vietnam Airlines cho rằng cơ quan quản lý cần tham gia điều tiết cung cầu thị trường khi có diễn biến bất thường của thị trường; điều tiết cân đối giữa việc phát triển hãng hàng không, đội tàu bay với năng lực khai thác và hạ tầng sân bay; tạo cơ chế linh hoạt cho các hãng hàng không nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Ông Hòa lấy ví dụ như các quy định về việc quản lý và sử dụng slots tại các cảng hàng không.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đề nghị cho phép các hãng hàng không linh hoạt về giá vé theo cơ chế thị trường song không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành nhằm giành thị phần, triệt tiêu cạnh tranh.
Cuối cùng, để tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát huy tốt nhất vai trò hãng hàng không quốc gia, lãnh đạo hãng bay này kiến nghị Chính phủ sớm thông qua đề án tái cơ cầu toàn diện của tổng công ty, chấp thuận về cơ chế giao Vietnam Airlines là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không quốc tế Long Thành.