Viglacera (VGC): Mở rộng quỹ đất, mang về 16.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023
Trong năm 2023 Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã CK: VGC) hướng đến mở rộng quỹ đất và phát triển mới 3.000ha quỹ đất. Đồng thời, dự kiến thu về 16.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
(KDPT) - Trong năm 2023 Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã CK: VGC) hướng đến mở rộng quỹ đất và phát triển mới 3.000ha quỹ đất. Đồng thời, dự kiến thu về 16.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Kế hoạch lợi nhuận “dè dặt”
Tại báo cáo thường niên 2022 vừa được Viglacera công bố, doanh nghiệp hé lộ trong bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu có xu hướng tăng nên VGC đặt mục tiêu có phần dè dặt hơn.
Cụ thể, trong năm 2023, công ty đặt mục tiêu 16.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất tăng 10%, lợi nhuận trước thuế là 1.300 tỷ đồng giảm 44% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 20% bằng tiền (2.000 đồng/cp), tương đương so với năm 2022.
Đáng chú ý, một mục tiêu quan trọng của Viglacera trong năm nay là thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính Phủ.
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2022 của VGC. |
Tham vọng mở rộng thêm 3.000ha quỹ đất
Ngoài lĩnh vực vật liệu xây dựng thì bất động sản cũng là một lĩnh vực mũi nhọn mà VGC hướng tới. Theo đó, doanh nghiệp cho biết đang tập trung phát triển đầu tư, kinh doanh và vận hành hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) và dịch vụ tại các KCN hiện có. Phát triển mở rộng quỹ đất tại các địa bàn có tiềm năng (miền Trung, miền Nam) và nước ngoài (Cuba).
Ở thời điểm hiện tại, Viglacera đang đầu tư 16 dự án khu đô thị và nhà ở với tổng diện tích 240ha, một khu nghỉ dưỡng 5 sao diện tích 35,7ha. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có 11 khu công nghiệp và một khu kinh tế có tổng diện tích 4.210ha.
Về khu công nghiệp, hiện VGC đang phát triển các dự án như khu công nghiệp Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phú Hà giai đoạn 1 (Phú Thọ); Tiền Hải (Thái Bình); Đồng Văn IV giai đoạn 1,2 (Hà Nam); Yên Phong IIC và Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Yên Mỹ (Hưng Yên).
Ảnh Viglacera. |
Đồng thời, công ty sẽ khởi công mới và thực hiện đầu tư khu công nghiệp Thuận Thành I rộng 262,7ha tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Với các dự án mới, Viglacera dự kiến đầu tư mới dự án khu công nghiệp Trấn Yên GĐ 1 - tỉnh Yên Bái, khu công nghiệp Sông Công II - GĐ 2 tỉnh Thái Nguyên, khu công nghiệp Dốc Đá trắng - tỉnh Khánh Hòa.
Viglacera cũng tiết lộ, dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng tổng số các KCN của công ty lên hơn 20 KCN với trên 10 KCN mới với tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha. Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở KCN, nhà ở thương mại và bất động sản nghỉ dưỡng, vận hành và khai thác các KCN, khu đô thị hiện có.
Tập trung làm 50.000 căn Nhà ở xã hội
Riêng đối với việc phát triển nhà ở xã hội, VGC cũng cho biết, năm 2023, doanh nghiệp sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 đã được Bộ Xây dựng giao.
Theo đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; NƠXH tại Kim Chung; khu NƠXH 9,8ha Yên Phong - Bắc Ninh.
Năm nay, doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2ha nhà ở xã hội Phú Hà (8,4ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh theo chương trình của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.
Bên cạnh đó, Viglacera cũng sẽ phát triển nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng, với các dự án đang triển khai gồm: Chung cư thương mại tại các khu đô thị Đặng Xá (Hà Nội), Tiên Sơn (Yên Phong, Bắc Ninh); khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải giai đoạn 1 diện tích 35 ha, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành Khách sạn 5 sao quốc tế trong quý 2/2023, chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2 với diện tích 40 ha.
Về lộ trình tái cơ cấu, Viglacera tiếp tục kế hoạch thoái vốn ở các doanh nghiệp không hoạt động hiệu quả như CTCP Gạch gói Từ Sơn, CTCP Gốm Yên Hưng, CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc, CTCP Từ Liêm và cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, công ty sẽ gia tăng thành lập mới, tăng tỷ lệ vốn góp ở các công ty nếu phù hợp với chiến lược phát triển.