Vinaconex (VCG): Kinh doanh thua lỗ nhưng nợ vay cao ngất
Từ BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) cho thấy: Kinh doanh thua lỗ; dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư âm mạnh dẫn tới VCG tăng cường vay nợ.
Vinaconex kinh doanh thua lỗ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm
Trong quý 2/2021, VCG ghi nhận doanh thu thuần giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 1.408 tỷ đồng. Chi phí giá vốn cải thiện hơn so với cùng kỳ do đó lợi nhuận gộp của Vinaconex đạt gần 185 tỷ đồng, đi ngang so với quý 2/2020.
Trong kỳ, các khoản chi phí tại VCG được tiết giảm đáng kể như: Chi phí tài chính ghi nhận giảm gần 10 tỷ đồng xuống còn hơn 53 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là hơn 76 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh liên kết là hơn 23 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 27%, ở mức 162 tỷ đồng và chi phí bán hàng đi ngang so với cùng kỳ 2020.
Đặc biệt, doanh thu hoạt động tài chính tại VCG trong quý 2/2021 lại âm gần 297 tỷ đồnng trong khi cùng kỳ 2020 đạt hơn 50 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm đến từ việc hạch toán giảm trừ phần lợi nhuận tương ứng 35% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc (Nedi 2, MCK: ND2).
Hơn nữa, phần lãi công ty liên doanh, liên kết trong kỳ giảm 21%, về mức hơn 22 tỷ đồng
Do đó, lợi nhuận sau thuế tại VCG lỗ gần 66 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 349 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tại VCG giảm 7%, về mức 2.360 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 34% lên 389 tỷ đồng kéo theo biên lãi gộp đạt 16% (cùng kỳ 2020 đạt 11%).
Các khoản chi phí đều được tiết giảm. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm mạnh 73% xuống còn 199 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lãi sau thuế tại VCG giảm 32% so với cùng kỳ, về mức 279 tỷ đồng.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, VCG mới chỉ hoàn thành gần 28% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài kết quả kinh doanh ảm đạm, dòng tiền kinh doanh tiếp tục là một điểm tối khi nhìn vào bức tranh tài chính tại VCG.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại VCG âm hơn 2.676 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 âm hơn 58 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 1.393 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 dương 807 tỷ đồng).
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Thực tế, cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư âm nặng trong kỳ dẫn tới VCG phải tăng cường nợ vay.
Nợ vay cao ngất, trích hơn 1.300 tỷ đồng dự phòng nợ xấu
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.186 tỷ đồng, tăng 10.576 tỷ đồng tương ứng tăng 54% so với đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 42% lên hơn 2.828 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 85% so với đầu năm, đa phần là trả trước cho người bán lên gần 7.891 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn khác hơn 4.012 tỷ đồng, đều tăng vọt 138% so với đầu năm. Đáng chú ý, Vinaconex phải trích lập hơn 1.314 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Ngoài ra, hàng tồn kho tại VCG cũng tăng 18% ghi nhận gần 2.610 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 2.505 tỷ đồng (dự phòng rủi ro hơn 26 tỷ đồng); nguyên liệu, vật liệu cũng tăng 45% lên hơn 44 tỷ đồng;...
Lưu ý, cuối quý 2/2021, VCG có hơn 1.902 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có hơn 1.315 tỷ đồng là chi phí dự phòng nợ xấu. Nợ xấu tập trung chủ yếu ở Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh với hơn 865 tỷ đồng. Ngoài ra, tại CTCP xấy dựng IDG Việt Nam có hơn 40 tỷ đồng và CTCP Sunshine Marina Nha Trang với gần 46 tỷ đồng;... Việc trích lập dự phòng nợ xấu cũng là lý do khiến lãi ròng tại VCG giảm mạnh.
Do tăng cường hoạt động vay nợ, cả số dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của VCG tại thời điểm ngày 30/6/2021 đều tăng mạnh so với thời điểm ngày 01/01/2020.
Cụ thể, nợ phải trả tại VCG tính đến 30/6/2021 tăng vọt 84% so với đầu năm, ghi nhận gần 22.955 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản là 76% và tăng gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, nợ ngắn hạn phải trả tăng 62%, lên mức 14.606 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nợ phải trả. Nợ dài hạn phải trả tăng vọt 142% so với đầu năm, ghi nhận hơn 8.348 tỷ đồng.
Tổng nợ vay tại VCG (ngắn hạn + dài hạn) tính tới 30/6/2021 tăng 129% so với đầu năm, lên gần 9.807 tỷ đồng, chiếm tới 43% tổng nợ phải trả. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu gấp 1,3 lần.
Có thể thấy, Vinaconex đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này đang được tài trợ bởi nợ.
Từ đầu năm nay, Vinaconex đã huy động 4.700 tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ. Do đó, nợ vay qua phát hành trái phiếu liên tục gia tăng.
Cụ thể, VCG vừa phát hành hành 2,5 triệu trái phiếu, tương ứng vốn huy động 2.500 tỷ đồng. Ngày phát hành là 25/6, đáo hạn vào 25/6/2024
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Theo đó, tài sản đảm bảo bao gồm cổ phiếu VCG thuộc sở hữu bên thứ ba và tài sản khác của công ty hoặc bên thứ ba.
Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, trong đó lãi suất áp cho kỳ đầu tiên là 10,5%/năm và các kỳ tiếp theo bằng lãi tham chiếu + 4,93%/năm nhưng không thấp hơn 10,5%/năm trong mọi trường hợp.
Trước đó, Vinaconex cũng đã huy động thành công 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng, kỳ hạn từ 30 - 84 tháng. Trái phiếu chào bán đợt này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên chỉ là 8,5%/năm; các năm tiếp theo lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.