Vingroup, Novaland, Him Lam... cùng 22 ông lớn BĐS họp 'nóng' với NHNN
Các "ông lớn" bất động sản gồm: Vingroup, Becamex, Novaland, Him Lam, Sun Group, Masterise, BĐS Toàn Cầu, IMG... sẽ tham dự Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào ngày mai (13/11).
Ngân hàng Nhà nước đã có giấy mời gửi đến 26 doanh nghiệp tham dự hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tổ chức vào thứ hai (ngày 13/11).
Cuộc họp được NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức nhằm triển khai Công điện 933 của Thủ tướng về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phần tham dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo nhiều bộ ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội; Tổng giám đốc của 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng)....
Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất....
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đang "khốn khổ" với lãi suất vay thả nổi. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn vẫn khó khăn trước các khoản vay lãi cao.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 Group cho hay, từ tháng 2 đến nay, Chính phủ đã áp dụng một loạt chính sách cũng như nhiều cuộc họp quan trọng với doanh nghiệp đã diễn ra. Nhờ vậy, bất động sản có dấu hiệu rã băng, một số sản phẩm mới được tung ra thị trường. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư chưa tốt và chưa sẵn sàng. Chỉ một số dự án có giao dịch tốt, còn tổng thể thị trường giao dịch không tốt, kể cả với phân khúc chung cư, ngoại trừ nhà ở xã hội.
Theo Chủ tịch G6 Group, thị trường bất động sản vẫn có hy vọng tươi sáng, nhưng tia sáng chỉ le lói ở đầu tầng hầm chứ thực tế chưa sáng hẳn và chưa rõ ràng. Nguyên nhân là nhà nước đang một lúc kỳ vọng quá nhiều, vừa muốn thị trường ấm trở lại vừa muốn thị trường phát triển ổn định, vừa muốn chính sách tài chính chặt chẽ, an toàn nhưng lại vừa muốn tạo điều kiện thúc đẩy cho người dân mua nhà. Khi có quá nhiều mục đích như vậy thì công trình thực hiện sẽ bị vướng.
Chủ tịch G6 Group bày tỏ: Doanh nghiệp đang phải cân đo, đong đếm để làm sao chi phí giảm ở mức tối thiểu, đồng thời tìm các cơ hội đầu tư trong khó khăn và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của thị trường để có thể phát triển bền vững, bứt phá nhất Mong muốn chính sách của nhà nước phải ổn định, thủ tục đầu tư các dự án phải tháo gỡ một cách quyết liệt hơn, vấn đề cho vay vẫn phải kiểm soát chặt chẽ nhưng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho người mua tốt nhất".
Nói về tín dụng với ngân hàng, ông Quê bày tỏ, “chúng tôi vẫn nhận được các cuộc gọi từ ngân hàng, tuy nhiên họ đang ưu tiên cho khách hàng cá nhân vay vốn nhiều hơn là doanh nghiệp. Một phần vì sức khỏe của doanh nghiệp hiện tại đang khá yếu và khả năng trả nợ cũng yếu. Đây cũng vấn đề nên điều chỉnh lại".
Khi tiếp cận các ngân hàng thì ngân hàng quốc doanh có lãi suất thấp hơn nhưng cũng chỉ thấp trong giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau vẫn thả nổi. Còn các ngân hàng thương mại thì lãi suất cao luôn từ đầu. Lãi suất cho vay trung bình hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản khoảng 11-12%. Để thị trường phục hồi, lãi suất giai đoạn đầu thời kỳ vay cần giảm về khoảng 7,7-8.5% và giai đoạn sau biên độ tầm 9-10,5%.