Sau một năm tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về pháp lý?
Trong vòng 1 năm qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành vẫn “kêu khó”, đặc biệt là vấn đề về pháp lý.
Dự án “đứng hình” vì vướng mắc pháp lý
Theo nhìn nhận của các doanh nghiệp địa ốc, vướng mắc pháp lý vẫn là khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản. Do đó, hàng loạt dự án của các chủ đầu tư không bị dừng thì cũng bị giảm tiến độ thực hiện. Dẫn đến việc mở bán, tạo ra dòng tiền với các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản”, ông Bùi Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất xanh cho biết: Các doanh nghiệp luôn mong muốn cơ quan quản lý thường xuyên lắng nghe để hiểu thị trường, tháo gỡ vướng mắc cho nền kinh tế. Suốt một năm qua, không chỉ Đất Xanh mà các doanh nghiệp bất động sản khác cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó chủ yếu là về pháp lý.
Lấy ví dụ cụ thể về dự án ở Đồng Nai của đơn vị này đang vướng các quy trình, thủ tục liên quan đến khâu cập nhật biến động đất đai. Ông Đức cho hay, dự án được Đất Xanh mua lại từ năm 2019, đến năm 2020 thì quy định pháp luật liên quan có hiệu lực. Doanh nghiệp đã triển khai đầy đủ thủ tục từ giấy phép, chủ trương đầu tư đến khi có đất ở lại vướng tiếp thủ tục đăng ký cập nhật biến động đất đai, cứ phải loay hoay hoàn thành thủ tục.
Theo ông Đức, các quy định hiện nay áp dụng theo pháp luật nhưng lại mang tính địa phương cao, điều này gây cản trở cho các doanh nghiệp. “Làm thế nào cho đúng pháp luật là câu hỏi rất khó cho doanh nghiệp. Việc này, ảnh hưởng lớn không chỉ với lĩnh vực bất động sản mà cả môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Đức nhận định.
Còn Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc CTCP DRH Holdings cũng cho rằng vướng mắc pháp lý hiện chiếm khoảng 80% khó khăn của các doanh nghiệp. Dù bản thân các nhà phát triển dự án đều lường được những khó khăn và đã tính con đường để vượt qua, nhưng riêng khó khăn về chính sách như pháp lý đầu tư, pháp lý cho thị trường bất động sản thì doanh nghiệp không tính được.
Chính sách vẫn chưa thực sự “thẩm thấu” vào thị trường
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết chỉ trong tháng 10 Thủ tướng Chính phủ đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến thị trường bất động sản. Kỳ vọng đặc biệt nhất của doanh nghiệp lúc này là tháo gỡ pháp lý thì họ mới tiếp cận tín dụng nhưng thực tế rất khó. Theo ông, "báo cáo của Bộ Xây dựng thấy phấn khởi khi số dự án nhà ở thương mại mở bán tăng 3 lần so với quý trước. Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo tín dụng vào bất động sản tăng kinh khủng nhưng chúng tôi không biết, không thấy doanh nghiệp nào được vay, không rõ tiền chảy đi đâu”.
“Các báo cáo cho thấy thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi trở lại, khó khăn đang giảm dần, quý sau đỡ khó khăn hơn quý trước. Nhưng mới ngày 24/10, tôi họp Ban chấp hành của Hiệp hội, các doanh nghiệp vẫn cho rằng họ đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Những tín hiệu lạc quan xuất phát nhiều từ nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách của nhà nước vẫn chưa thẩm thấu, chưa thật sự hiệu quả. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao hơn nữa trong việc kiểm tra, đánh giá lại tính hiệu quả của các quyết sách đưa ra để có chỉ đạo cho phù hợp. Đặc biệt là thực thi ở các bộ ngành, các địa phương đối với các chỉ đạo trên”, ông Châu nói.
Những khó khăn đang phải đối mặt đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải “dừng cuộc chơi.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 10/2023, cả nước có hơn 15.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.600 doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ; có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% so với tháng trước và giảm 6,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 183.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong 10 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 3.441 doanh nghiệp và có 1.067 doanh nghiệp bất động sản đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.