Vingroup vào Thanh Hóa: Điểm nóng bất động sản mới
Vấn đề lớn mà Thanh Hóa cần khắc phục là cải thiện hạ tầng du lịch, đặc biệt cho phân khúc cao cấp...
Thông tin Vingroup muốn đầu tư hai dự án tại Thanh Hóa là một minh chứng về sức hút của tỉnh này với các nhà đầu tư bất động sản lớn trên cả nước. Nhưng, vì sao Vingroup lại đầu tư vào đây?
Cú hích Nghi Sơn
Theo thông tin báo chí ban đầu, Vingroup dự kiến sẽ triển khai hai dự án lớn tại Thanh Hóa là dự án BT xây dựng trung tâm hành chính thành phố mới tỉnh Thanh Hóa và dự án bất động sản khai thác quỹ đất trên diện tích trung tâm hành chính cũ, bao gồm nhiều hạng mục như: trung tâm thương mại, khách sạn cao 25 tầng trên diện tích 5.500 m2, khu nhà thương mại biệt thự liền kề trên diện tích 44.740 m2.
Quy mô của hai dự án này có thể sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Với dự kiến này, Vingroup sẽ không chỉ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại, mà còn đồng thời triển khai bất động sản cho thuê, bao gồm lưu trú (dịch vụ khách sạn) và mặt bằng thương mại.
Thanh Hóa có sức hấp dẫn nào đối với Vingroup, "ông lớn" đang sở hữu danh sách các dự án bất động sản quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi dự án?
Câu trả lời quan trọng nhất có lẽ là tiềm năng hiệu quả kinh tế.
Năm 2014, trong khi tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 5,98%, Thanh Hóa ghi nhận mức tăng lên tới 11,6%. Với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng này, thu nhập bình quân đầu người năm ngoái của tỉnh lên tới 28,9 triệu đồng, tương đương 1.365 USD. Con số này so với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng…
thì vẫn thấp hơn, nhưng nếu so với mặt bằng chung các tỉnh của cả nước, lại là một con số không hề nhỏ.
Cùng với hiệu ứng lan tỏa của dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư mà chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã làm trong suốt mấy năm gần đây, đã và đang thực sự tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo ước tính, nhân sự phục vụ riêng dự án Nghi Sơn có thể lên tới 45.000 người giai đoạn 2014-2018, sau đó ổn định ở mức khoảng 25.000 người. Tỉnh cũng hiện có tới 300 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng, 20 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 12,25 tỷ USD.
Đi cùng các dự án này là nhu cầu lớn về các dịch vụ kèm theo, trong đó có bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, giải trí.
Có lẽ, đó là lý do vì sao Thanh Hóa đang trở thành một trong những điểm nóng về phát triển bất động sản. Nhiều cái tên lớn đã và đang đầu tư vào tỉnh này như tập đoàn FLC với đại dự án FLC Samson Beach & Golf Resort, tập đoàn T&T với dự án khu du lịch sinh thái Tân Dân..., và tới đây là Vingroup.
Thành phố du lịch biển bậc nhất miền Bắc
Bản thân Thanh Hóa, với lợi thế về bãi biển, nhiều địa danh nổi tiếng phục vụ du lịch tâm linh, thuận lợi về giao thông cả bằng đường bộ, hàng không, từ xưa vẫn là điểm đến hấp dẫn của du lịch biển phía Bắc.
Song, vấn đề lớn mà tỉnh này cần khắc phục là cải thiện hạ tầng du lịch, đặc biệt cho phân khúc cao cấp.
Có lẽ đây là lý do mà FLC Samson Beach & Golf Resort, đại dự án du lịch với hạ tầng đồng bộ theo chuẩn 5 sao từ khách sạn, resort đến sân golf, khu vui chơi, giải trí được triển khai. Theo kế hoạch, đại dự án này sẽ được đưa vào sử dụng dịp 30/4 - 1/5 này để kịp phục vụ “Năm Du lịch quốc gia Thanh Hóa 2015”.
Với FLC Samson Beach & Golf Resort, lần đầu tiên Thanh Hóa có một "hệ sinh thái" dịch vụ du lịch 5 sao hoàn chỉnh. Đây cũng là khu vực du lịch đầu tiên của miền Bắc được đầu tư mạnh tay, với quy mô lên tới 5.500 tỷ đồng.
Từ FLC, ngành du lịch của Thanh Hóa, trước đây vốn được đánh giá chỉ mang yếu tố "mùa vụ", nay đã được các nhà đầu tư lớn để ý tới.
Sau FLC, Vingroup đang bước những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực này tại Thanh Hóa với dự án khách sạn. Hệ thống Vinpearl tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đã ghi danh trên bản đồ thế giới, nay rất có thể sẽ có thêm một Vinpearl Thanh Hóa, đi kèm với Vinpearl Quy Nhơn, Vinpearl Hạ Long…
Theo Hải Âu VnEconomy