Chờ “cú hích” mạnh mẽ từ đầu tư công
Nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ khi bước vào năm 2022 – năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình này, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú hích” cho phục hồi kinh tế.
Trông vào đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công được xem như một trong những “mắt xích” quan trọng để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
Có thể thấy mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu công năm nay có cơ sở để đạt được khi trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 44.612 tỷ đồng, bằng 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cần lưu ý rằng, gần một nửa trong 350.000 tỷ đồng của gói phục hồi kinh tế dành cho phát triển kết cấu hạ tầng. Chính vì thế, để kinh tế có thể phục hồi, phải trông chờ vào giải ngân đầu tư công.
Nhìn lại năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn mức 82,66% cùng kỳ của năm 2020), trong đó, vốn trong nước đạt 83,66%; vốn nước ngoài đạt 26,77%.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, bước tiến lớn của đầu tư công là giao kế hoạch năm 2022 trước 30/11, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương. “Trước kia, nhắc đến đầu tư công, bao giờ cũng là giao chậm, giao nhiều lần. Thực tế bây giờ, giao một lần vào 30/11 là xong”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Đầu tư chính là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi và là động lực cho tăng trưởng. Đầu tư của Nhà nước cần tập trung vào cơ sở hạ tầng, dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Đối với gói phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, một danh mục dài các dự án đã được xây dựng trong chương trình. Tuy nhiên, điều quan trọng là chuẩn bị dự án và sẵn sàng các điều kiện triển khai.
Không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”
Không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” trong giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Trong những tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Chí Dũng cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đầu tư công để sớm đưa vào triển khai, góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Gần đây nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có công điện gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022. Bộ KH&ĐT cho biết đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương về hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng như hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022. Vấn đề này đã được Bộ KH&ĐT đôn đốc từ giữa tháng Hai.
Điều này cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã rất rốt ráo trong việc phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Qua đây đã nổi lên vấn đề, ở một số bộ, ngành và địa phương, nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại. Về việc này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị: Khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên để cấp có thẩm quyền giám sát. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Giới đầu tư cho rằng, cần một “cuộc cách mạng” trong việc lập các dự án mới trên tinh thần chủ động làm ngay từ đầu tư, nhằm rút ngắn các khâu xin ý kiến, chờ thông qua mới triển khai lập dự án, mời thầu, đấu thầu… Một bài học nữa là cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong việc xin vốn và giao vốn vì có những ngành, địa phương và các chủ đầu tư đến gần cuối năm mới được giao vốn, hoặc bổ sung thêm vốn, thì không có cách nào để giải ngân hết vốn, vì khi có vốn mới tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp, thi công…
Khi triển khai các dự án có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cần chủ động làm ngay từ đầu với phương châm “có mặt bằng sạch mới triển khai dự án”, thay vì triển khai đến đâu lại vướng đến đó và có những dự án kéo dài hàng chục năm vẫn không thể hoàn thành.
Để thúc giải ngân nhanh, các bộ, ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép, trong đó, đặc biệt lưu ý đến cơ chế chỉ định thầu, bởi có thể quy trình “rút gọn” nhưng cần lựa chọn các nhà nhà thầu đủ năng lực và sẵn sàng các chế tài để xử lý nếu nhà thầu không đáp ứng tiến độ và chất lượng.
Trước những bất lợi của tình hình thế giới, những xung đột chính trị khiến giá nhiên liệu, hàng hóa tăng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công sẽ càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, với quyết tâm “chậm một ngày là mất cơ hội phục hồi ngày đó,” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn dòng vốn sẽ chảy nhanh, mạnh tới các công trình dự án trọng điểm, quan trọng để đóng góp kịp thời, hiệu quả vào chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.