VN-Index liên tục suy yếu: Có nên lo sợ?
Đợt suy giảm này có thể coi là pha điều chỉnh đáng kể đầu tiên kể từ khi VN-Index tạo đáy ngắn hạn vào ngày 5/8, do đó, có khả năng chỉ số này sẽ bật tăng trở lại trong thời gian tới. Dẫu vậy, chiến lược từ nay đến cuối năm vẫn nên là “sóng nhỏ, kỳ vọng nhỏ”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 2 phiên giao dịch tương đối tiêu cực với mức giảm mỗi phiên khoảng 8 điểm. Mức giảm này thực ra không quá lớn nhưng trên thực tế, nhiều cổ phiếu giảm sâu hơn nhiều VN-Index, lý do là bởi chỉ số này được “kéo” bởi bộ đôi VIC – VHM. Ở phiên trước, VHM tăng 2,41% và tiếp tục tăng 2,94% trong phiên này; trong khi đó, VIC cũng tăng khá mạnh 2,39% trong phiên này (phiên trước giảm nhẹ).
Đi sâu hơn vào phiên này, có thể thấy áp lực lớn nhất tới từ nhóm ngân hàng khi không có một cổ phiếu nào trên sàn HoSE ghi nhận sắc xanh. Một số mã giảm trên 1% có thể kể đến VPB, MBB, STB, còn lại đa số giảm dưới 1%.
Cổ phiếu các ngành sản xuất cũng chìm trong sắc đỏ, tiêu biểu là HPG giảm 0,79%, HSG giảm 1,97%, NKG giảm 3,04%, GVR giảm 2,31%, PHR giảm 2,9%, DGC giảm 1,3%, DCM giảm 1,48%, DPM giảm 1%, MSN giảm 1,59%, VHC giảm 2,05%, BHN giảm 1,8%... Sắc xanh le lói ở VNM, DBC, SBT…
Cổ phiếu bất động sản cũng không khá hơn là mấy. Ngoại trừ bộ đôi VHM – VIC thì lượng cổ phiếu giảm điểm hoàn toàn áp đảo, trong đó nhiều mã giảm khá sâu như PDR giảm 2,46%, NLG giảm 2,14%, SIP giảm 2,62%, DIG giảm 2,14%.
Cổ phiếu các ngành bán lẻ, công nghệ, năng lượng cũng trong tình trạng tương tự.
Nhìn ở góc độ tích cực, việc VN-Index điều chỉnh sau quãng tăng mạnh là bình thường. Kể từ phiên tạo đáy ngắn hạn ngày 5/8, chỉ số này đã tăng từ 1.188 điểm lên 1.283,87 điểm kết phiên cuối tháng 8, tức là tăng tới gần 100 điểm trong chưa đầy 1 tháng. Trong khi đó, 2 phiên điều chỉnh vừa qua chỉ lấy đi chưa đến 16 điểm.
Nhưng ở chiều ngược lại, như VietnamFinance từng đề cập, thị trường chứng khoán Việt Nam không có “sóng lớn” từ đầu năm đến nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy từ nay đến cuối năm, bởi các yếu tố quan trọng tác động đến thị trường vẫn ở trong tình trạng tốt - xấu đan xen. Cán cân thị trường đang nghiêng về tình trạng tốt có thể nhanh chóng chuyển sang tình trạng xấu chỉ vì một/một vài yếu tố thay đổi. Điều này khiến thị trường xuất hiện khá nhiều sóng tăng - giảm nhưng cường độ tăng - giảm không thực sự lớn.
Nếu kịch bản “sóng nhỏ” tiếp tục lặp lại, nhà đầu tư cần đặt kỳ vọng nhỏ để giữ lại lợi nhuận tích luỹ được, thay vì bị lấn át bởi lòng tham để rồi mất đi thành quả khi thị trường chuyển trạng thái sang suy giảm.
Trước mắt, đợt suy giảm này có thể coi là pha điều chỉnh đáng kể đầu tiên kể từ khi VN-Index tạo đáy ngắn hạn vào ngày 5/8, do đó, có khả năng chỉ số này sẽ bật tăng trở lại trong thời gian tới. Dẫu vậy, việc mua vào ở thời điểm này vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro và nếu kịch bản bật tăng trở thành sự thật, nhà đầu tư nên tính đến chuyện chốt lời hơn là mua mới, trừ các nhà đầu tư theo trường phái “mua và nắm giữ”.