VNG đã lỗ sạch hơn 500 tỷ đồng đầu tư vào Tiki
Tính tới thời điểm 30/6, khoản đầu tư hơn 506 tỷ đồng vào Tiki của VNG - đơn vị nắm 24,6% vốn tại đây - đã "bốc hơi" hoàn toàn.
Công ty cổ phần VNG đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
6 tháng đầu năm VNG đạt 2.524 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó mảng thu dịch vụ trò chơi trực tuyến tăng tới 22% và chiếm tới 81% cơ cấu doanh thu. Doanh thu dịch vụ quảng cáo trực tuyến cũng ghi nhận tăng tới 32% lên 413 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu của VNG (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 đã soát xét)
Các chi phí tăng không lớn, chưa kể khoản lỗ đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm 71 tỷ so với cùng kỳ còn 28 tỷ đồng nên 6 tháng đầu năm lợi nhuận của VNG tăng 31% lên 315 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6 tổng tài sản của VNG đạt 5.764 tỷ đồng. Trong đó khoản tiền, tương đương tiền của Công ty gần 737 tỷ đồng cùng với 2.722 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, chiếm tổng cộng 60% tài sản của VNG.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối tháng 6 VNG có khoản đầu tư vào công ty liên kết với giá trị hơn 24 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 đã soát xét
Tổng giá trị đầu tư hơn 522 tỷ đồng mà chỉ sau thời gian lỗ lũy kế đã “ăn mòn” khiến khoản đầu tư "bốc hơi" tới 498 tỷ đồng. Trong đó khoản rót vốn của VNG vào Tiki – chuyên kinh doanh hàng hóa trực tuyến lỗ nặng nhất khi hơn 506 tỷ đồng đổ vào đây đã lỗ hoàn toàn. Tại thời điểm 30/6 VNG nắm 24,6% vốn của Tiki.
Tiki được thành lập vào tháng 1/2010. Theo thông tin mới nhất ngày 26/6 về báo cáo thay đổi đăng ký doanh nghiệp thì Tiki đã tăng vốn từ gần 163 tỷ lên 188 tỷ đồng. Tới ngày 26/6 thì khoảng 41% vốn của Tiki thuộc sở hữu của khoảng 14 đơn vị, cá nhân nước ngoài; trong đó tổ chức JD.Com International của Singapore nắm 25,65% vốn tại đây.
Cuộc chiến giành thị phần của các sàn thương mại điện tử diễn ra rất khốc liệt, Tiki đang phải chịu lỗ lớn để cạnh tranh với các ông lớn như: Lazada, Shopee, Sendo.
Khoản lỗ của Tiki liên tục gia tăng qua các năm, năm 2016 Tiki chỉ lỗ 179 tỷ thì sang 2017 đã lên tới 282 tỷ và tới 2018 thì khoản lỗ này đã phình lên 757 tỷ đồng nên việc VNG ghi nhận tương ứng khoản lỗ tại đây là điều dễ hiểu.
Bên cạnh Tiki thì khoản đầu tư vào All Best Asia Group Limited (ABA) - đơn vị chuyên phát triển phần mềm tại Hồng Kông lỗ hết gần 15 tỷ đồng. VNG nắm 50% quyền sở hữu và 49% quyền biểu quyết tại ABA ở thời điểm 30/6.
Duy nhất có khoản đầu tư vào Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn do VNG nắm 49% vốn, chuyên kinh doanh thẻ trò chơi và thẻ điện thoại trả trước ghi nhận lãi gấp 16,5 lần so với tiền đầu tư ban đầu.
Bên cạnh khoản đầu tư vào các công ty liên kết thì VNG đầu tư hơn 111 tỷ đồng ở CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT.
Đặc biệt, VNG không hề sử dụng nợ đi vay mà dùng hoàn toàn vốn tự có. Tại ngày 30/6 vốn điều lệ của doanh nghiệp là 345 tỷ đồng, đáng chú ý khoản cổ phiếu quỹ của VNG lên tới 1.943 tỷ đồng bên cạnh khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 5.273 tỷ đồng.
VNG hiện đang sở hữu 14 công ty con, trong đó có 4 công ty ở Hồng Kông, Singapore, Myanmar. Tập đoàn có 4 sản phẩm chính gồm: Trò chơi trực tuyến – mảng chủ lực đóng góp tới 80% doanh thu cho năm 2018; nền tảng kết nối (OTT Zalo, hệ sinh thái mạng xã hội giải trí Zing, vCS, 123Go, 123Phim…); tài chính và thanh toán (cổng trung gian thanh toán 123 Pay, ví điện tử ZaloPay) và dịch vụ đám mây.
VNG đang phát triển cà sản xuất loạt trò chơi trực tuyến nổi tiếng như: Võ lâm truyền kỳ, Khu vườn trên mây, Kiếm thế, Rules of Survival…
Theo Hoàng Kiều/Doanh Nghiệp Việt Nam