Vốn ngoại rút lui vốn nội trỗi dậy: Hướng dòng tiền tỷ USD vào quỹ đầu tư

Trong bối cảnh dòng vốn ngoại rút ròng mạnh mẽ khỏi thị trường trong 2 năm qua, các quỹ đầu tư đã thu hút được lượng lớn vốn từ nhà đầu trong nước.

Vốn ngoại chưa thể quay lại TTCK

Hai năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến dòng vốn ngoại rút ròng đáng kể, với con số lên tới 1 tỷ USD trong năm 2023 và khoảng 3 tỷ USD trong năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc đầu tư quỹ Manulife Việt Nam từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn rằng, xu hướng rút vốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả ở yếu tố bên ngoài lẫn nội tại thị trường Việt Nam.

Theo bà Thảo, nhóm nhà đầu tư nước ngoài rút ròng đầu tiên là các nhà đầu tư chịu tác động bởi xu hướng toàn cầu.

"Lý do lớn nhất là chênh lệch lãi suất giữa các thị trường mới nổi và Mỹ," bà cho biết. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách lãi suất cao, thị trường Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng với mức tăng khoảng 20% trong năm 2024. Chính điều này đã kéo dòng vốn từ các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, quay trở lại các thị trường phát triển như Mỹ.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Dự báo cho năm 2025, bà Thảo nhận định rằng triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn rất khả quan, trong khi các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, được đánh giá ở mức trung lập. Một phần nguyên nhân đến từ các lo ngại về chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là những biến động liên quan đến tỷ giá.

"Dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi khó có khả năng quay lại mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, nếu chính sách kinh tế toàn cầu dần trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là khi tỷ giá ổn định, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn này sẽ trở lại trong nửa cuối năm," bà Thảo nhận định.

Nhóm nhà đầu tư rút ròng thứ hai chủ yếu đến từ các thị trường khu vực châu Á, như Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Dù nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đều có sự tăng trưởng, nhưng nhìn chung chưa có bước đột phá hay sự chuyển biến mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư ở những thị trường này.

Tuy nhiên, năm 2025, kinh tế của Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới sẽ có thêm nhiều động lực mới như nâng hạng thị trường chứng khoán, khi đó nhóm nhà đầu tư nêu trên khả năng cao sẽ quay lại thị trường. Theo dự báo từ giới tích, nếu thuận lợi được nâng hạng vào tháng 9 tới, thị trường chứng khoán trong nước có thể hút được khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ thụ động.

Nhìn chung, bà Thảo dự báo dòng tiền của khối ngoại có thể chưa quay lại trong nửa đầu năm 2025, nhưng sẽ có những diễn biến tích cực hơn trong giai đoạn nửa cuối năm, khi Việt Nam đón nhận những chuyển biến mới.

Thu hút dòng vốn nội chảy vào quỹ đầu tư

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chứng kiến dòng vốn ngoại rút ròng ở mức cao, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Nhà điều hành Quỹ VinaCapital cho biết các quỹ của VinaCapital cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn ngoại, tuy nhiên lại huy động khá tốt dòng vốn từ các nhà đầu tư trong nước.

Tổng tài sản các quỹ của VinaCapital tại Việt Nam đang quản lý (gần như toàn bộ là nhà đầu tư trong nước) đã tăng từ mức 4.000 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2024 lên 8.400 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm, tương đương mức tăng gấp đôi. Con số này bao gồm cả phần lợi nhuận mà quỹ mang về, tuy nhiên phần lớn là dòng tiền mới vào.

Ông Đinh Đức Minh nhận định rằng các nhà đầu tư trong nước đang ngày càng quan tâm tới sản phẩm quỹ mở, nhận ra rằng việc đầu tư vào quỹ mở do những công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp quản lý là một phương thức tốt để tích luỹ tài sản. Đồng thời, ông cho rằng việc đầu tư vào quỹ mở có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với tự đầu tư trên thị trường chứng khoán.

“Tôi được nghe nhiều câu chuyện về việc nhà đầu tư cá nhân rất khó kiếm được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trong năm 2024, trong khi các quỹ mở vẫn mang về được mức lợi nhuận từ 20% trở lên”, ông Mạnh cho biết.

Đánh giá về nhận thức của nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank, nhấn mạnh rằng đã có một sự thay đổi đáng kể sau 10 năm kể từ khi quỹ mở đầu tiên của VCBF ra mắt. "Trước đây, nhà đầu tư gần như không hiểu quỹ mở là gì. Nhưng hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã chủ động tìm hiểu và đầu tư sớm vào các quỹ đầu tư," ông Linh chia sẻ.

Một điểm khác biệt lớn ở các nhà đầu tư trẻ hiện nay là tầm nhìn dài hạn. Ông Linh giải thích rằng những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong chu kỳ tăng lãi suất của FED từ năm 2022 đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân chịu thua lỗ. Họ dần nhận ra lợi thế của quỹ mở với chiến lược đầu tư bài bản, lợi nhuận vượt trội và quản trị rủi ro hiệu quả hơn.

Sự phát triển công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kênh đầu tư này. Trước đây, việc mở tài khoản quỹ yêu cầu nhà đầu tư đến trực tiếp văn phòng. Nhưng hiện nay, nhờ các kênh online và ứng dụng ngân hàng tích hợp eKYC, quá trình này đã trở nên đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. "Quy mô tổng tài sản và số lượng nhà đầu tư vào quỹ mở của chúng tôi đã tăng gấp đôi trong năm 2024," ông Linh cho biết, đánh giá đây là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Đầu tư Quỹ Manulife Investment Việt Nam, cho biết, quỹ này hiện đang quản lý tổng tài sản lên đến 130.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so với 9 năm trước. "Điều này cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư vào quỹ mở đã tăng trưởng vượt bậc," bà Thảo khẳng định.

Hải Đường

Theo VietnamFinance