Vụ biến đất công thành đất tư của Vinafood 2: TP Hồ Chí Minh quyết định thu hồi đất vàng
UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thu hồi khu đất vàng hơn 6.274,5m2 tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh sau khi Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của. Đặc biệt là về việc Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân Sài Gòn để chuyển đất công thành tư nhân.
Đất vàng bị bán rẻ
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thu hồi 6.274,5m2 thuộc thửa số 6, tờ bản đồ số 17, Bộ địa chính P.Bến Nghé, Quận 1 tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 và 42 Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Quận 1.
Đây là khu đất do Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam - công ty TNHH một thành viên (Vinafood 2, nay là Tổng công ty Lương thực miền Nam - công ty cổ phần).
Lý do thu hồi đất là khu đất này không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhưng vẫn nhận chuyển nhượng, tặng cho.
UBND TP Hồ Chí giao chủ tịch phường Bến Nghé có trách nhiệm giao quyết định này cho Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Trường hợp công ty này không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì lập biên bản; niêm yết quyết định này tại trụ sở UBND phường, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư.
Công ty Việt Hân Sài Gòn có trách nhiệm bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để đơn vị này quản lý. Ngoài ra, công ty này phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà Nước.
Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục tiếp nhận, quản lý khu đất thu hồi theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó là đề xuất phương án sử dụng đất, trình Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh còn giao cho UBND quận 1 thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch đối với khu đất nêu trên, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Sau khi quyết định thu hồi đất nói trên được ban hành, UBND P.Bến Nghé, Quận 1 đã giao quyết định cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Tuy nhiên, đại diện công ty này đã vắng mặt và quyết định đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND P.Bến Nghé.
Tại Kết luận số 2099/BC-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 2/12/2020 gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, cùng việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.
4 lô đất này năm 2008 được UBND thành phố phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất hơn 643 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra ước tính tiền sử dụng đất của 4 khu đất vào năm 2015 hơn 1.979 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định quá trình hợp tác triển khai dự án, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Doanh nghiệp này đã không lập phương án xử lý 4 cơ sở nhà đất theo Quyết định 09/2007 về sắp xếp đất công thuộc sở hữu nhà nước trình cấp thẩm quyền và Thủ tướng quyết định.
Vinafood 2 tự ý hợp tác Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhiều lần có văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Việt Hân Sài Gòn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tổng công ty không chấp hành.
Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chấp thuận triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 4 lô đất nhằm khắc phục thua lỗ trong kinh doanh.
Vinafood 2 cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng khi không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân sống tại các cơ sở nhà đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
"Vẽ" dự án để vay hàng ngàn tỷ đồng
Trong giai đoạn từ 2010 - 2015, Vinafood 2 không triển khai đầu tư dự án trên đất được giao như cam kết, ngược lại tổng công ty này đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 của 4 lô đất để vay 518 tỷ đồng từ ngân hàng Techcombank để trả nợ cho các công ty con.
Từ cuối năm 2015 đến nay, sau khi mua lại 4 cơ sở nhà đất, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục dùng "chiêu" vẽ dự án khống - The Goldmark Premium Tower trên đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh để vay thêm nhiều ngàn tỷ từ ngân hàng.
Cụ thể, năm 2016, ông Đinh Trường Chinh, Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn đã thế chấp 4 cơ sở nhà đất nêu trên với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh (ngân hàng MSB) giá trị tài sản đảm bảo là hơn 2000 tỷ đồng để thực hiện khoản vay 1.683 tỷ đồng mục đích là để trả nợ cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông.
Tiếp đó ngày 6/2/2017, bà Trương Thị Cẩm Giang là đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (ngân hàng SCB) chi nhánh Phạm Ngọc Thạch với tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nêu trên. Đáng chú ý, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lập dự án khống The Goldmark Premium Tower với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng rồi dùng để làm tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản vay. Mục đích của khoản vay này là trả nợ cho 9 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, thực hiện thi công giai đoạn 1 dự án The Goldmark Premium Tower. Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Phạm Ngọc Thạch đã giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng.
Sau đó, ngày 17/8/2017 bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục ký hợp đồng vay hơn 5.300 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Củ Chi bằng tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nêu trên. Mục đích vay cũng như lần trước, thực hiện thi công giai đoạn 1 dự án The Goldmark Premium Tower.
Hiện nay, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã thế Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất để vay từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn khoảng 6.308 tỷ đồng. Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con gồm: Công ty CP Bạch Minh Long, Công ty CP Supreme Power, Công ty CP Đầu tư Thuận Nha, Công ty CP Clover Peak, Công ty CP Đầu tư Thanh Man, Công ty CP Đầu tư Song Phú.
Nhưng khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp. Đó là các bất động sản tại dự án khu dân cư lô 9A2 khu 9A+B, khu chức năng số 9 đô thị mới nam TP Hồ Chí Minh, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Việt Liên Á làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Chinh.
Hơn 30 hộ dân ngóng thoát cảnh lay lắt, tạm bợ
Từ khi Vinafood 2 có chủ trương chuyển nhượng mục đích sử dụng đất (2007) thì 34 hộ dân trong Khu tập thể của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) phải sống trong những căn hộ chật hẹp đã bị xuống cấp trầm trọng.
Khu tập thể này được bao bọc bởi bức tường cũ, nhiều nơi đã nghiêng ngã có thể sập bất cứ lúc nào, UBND phường Bến Nghé gắn các biển cảnh báo người đi bộ tránh lại gần vì tường dễ đổ.
Bên trong bức tường bao bọc là những căn hộ cũ. Nhiều căn còn được người dân che chắn tạm bợ, mái tôn xếp chồng lên nhau. Thậm chí người dân còn dùng những vật dụng nặng đặt trên mái nhà để phòng tránh gió mạnh làm lật mái, hoặc giăng những tấm bạt nhằm che chắn mưa nắng.
Nhiều năm nay, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, các hộ gia đình đang phải sinh sống trong những căn hộ chật chội có diện tích hơn 10m2. Một số hộ dân ở đây đã nhiều lần lên phường Bến Nghé xin phép sửa chữa nhà nhưng không được vì khu đất này đang bị thanh tra.