Tin bất động sản hôm nay ngày 20/9: Chính thức thu hồi 9 dự án tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng của FLC tại Quảng Ngãi

Chính thức thu hồi 9 dự án tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng của FLC tại Quảng Ngãi; Xem xét thông qua lựa chọn nhà đầu tư ở Khu đô thị mới Liên Ninh; TP.HCM thu hồi hơn 6.000m2 'đất vàng' bị Vinafood 2 thâu tóm; Bộ GTVT ủng hộ nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu; Sở Xây dựng Đà Nẵng lên tiếng về Dự án New Danang City là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 20/9.

Chính thức thu hồi 9 dự án tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng của FLC tại Quảng Ngãi

Chiều 19/9, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận, sau khi làm việc với Công ty CP Tập đoàn FLC, phía doanh nghiệp đã đồng ý làm thủ tục bàn giao cho địa phương thu hồi toàn bộ 9 dự án đã được cấp.

Tuần này, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thành các hồ sơ liên quan đến 9 dự án của FLC để thu hồi và tiến hành đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định. Hiện FLC đã có văn bản tự nguyện hoàn trả lại hai trong số 9 dự án gồm: Dự án đô thị Vạn Tường 7 và đô thị Vạn Tường 8 với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Hai dự án được FLC hoàn trả gồm: Dự án Khu đô thị Vạn Tường 7 có diện tích trên 30 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.700 tỷ đồng và dự án Khu đô thị Vạn Tường 8 có diện tích gần 45 ha, vốn đăng ký đầu tư gần 3.200 tỷ đồng.

Sau ba năm khởi công, 9 dự án thuộc các lĩnh vực khu đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch của Tập đoàn FLC dự kiến triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vẫn bất động.

Trong hai năm 2018 - 2019, Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án trên các lĩnh vực về đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái. Theo đó, 4 dự án khu đô thị rộng 165 ha với tổng vốn đăng ký 9.200 tỷ đồng. Còn năm dự án khu du lịch sinh thái với 81 ha với tổng vốn đăng ký hơn 8.900 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, xác nhận hiện 9 dự án trên đều chưa được triển khai xây dựng, nguyên nhân là vướng quy hoạch đất quốc phòng, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tháng 4/2022, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cơ quan chức năng rà soát thông tin, biến động tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan đến FLC Quảng Ngãi để phục vụ công tác điều tra của Bộ Công an.

Xem xét thông qua lựa chọn nhà đầu tư ở Khu đô thị mới Liên Ninh

Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét nội dung Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP về việc đề nghị xem xét thông qua chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Liên Ninh, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.

Được biết, đây là khu đô thị đầu tiên sẽ được triển khai sau khi có Quyết định 32/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND TP Hà Nội quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của TP Hà Nội.

Theo đó, Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo, trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Liên Ninh tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Dự án do UBND huyện Thanh Trì đề xuất có vốn đầu tư dự kiến 1.423,4 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 27,7ha, với dân số khoảng 4.500 người. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, góp phần tạo diện mạo đô thị mới cho huyện Thanh Trì.

Nhà đầu tư thực hiện đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; công trình cây xanh khu ở; công trình giao thông; bãi đỗ xe; trường mầm non; 197 căn nhà ở biệt thự; 76 căn nhà ở liền kề; nhà ở xã hội có tầng cao tối đa là 30 tầng…

Nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải là tổ chức thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 55 Luật Đất đai 2013; có đủ các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2026, đề xuất hoàn thành trong Quý I/2026. Nội dung đề xuất đầu tư Dự án của UBND huyện Thanh Trì có chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản phù hợp với Quy hoạch chi tiết Khu đô thị tại xã Liên Ninh, tỷ lệ 1/500 đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 8/6/2018.

TP.HCM thu hồi hơn 6.000m2 'đất vàng' bị Vinafood 2 thâu tóm

Theo thông tin từ VTC News, UBND phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) thông báo niêm yết công khai quyết định thu hồi đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé). Động thái này được thực hiện theo Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 23/8/2022 của UBND TP.HCM.

"UBND phường Bến Nghé thực hiện giao quyết định của UBND TP về việc thu hồi đất tại số 33 đường Nguyễn Du, số 34 - 36 và 42 đường Chu Mạnh Trinh đối với Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn. Tại thời điểm giao Quyết định Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn vắng mặt. Nay, UBND phường Bến Nghé niêm yết công khai nội dung quyết định theo quy định", thông báo của UBND phường Bến Nghé ghi.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ có kết luận gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại khu "đất vàng" số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh cùng việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt mánh khóe của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.

Theo Quyết định số 2834, UBND TP.HCM quyết định thu hồi 6.274,5m2 đất tại địa chỉ số 33, đường Nguyễn Du, số 34 - 36 và 42, đường Chu Mạnh Trinh do Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Lý do thu hồi đất là thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.

Bộ GTVT ủng hộ nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu

Bộ GTVT vừa có công văn trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Sơn La về đề xuất bổ sung Cảng Hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu với chiều dài khoảng 145km, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến cao tốc sẽ đảm bảo khả năng kết nối thuận lợi đến sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, Quy hoạch sân bay toàn quốc không đề xuất sân bay mới tại Mộc Châu.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu phát triển sân bay phục vụ du lịch, Bộ GTVT ủng hộ tỉnh chủ động nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng. Đồng thời, chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Mộc Châu với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Sơn La, Bộ GTVT cũng đề cập đến việc ủng hộ chủ trương giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Cảng Hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Nghị định 42/2016/NĐ-CP, sân bay chuyên dùng được xây dựng để phục vụ khai thác hàng không chung hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải "vận chuyển công cộng". Máy bay chuyên dùng là các loại trực thăng, thủy phi cơ, máy bay cánh bằng loại nhỏ, máy bay không người lái... Vận chuyển công cộng (Common carrier) là loại hình vận tải mà trong đó các công ty vận chuyển có trách nhiệm cung cấp dịch vụ vận chuyển phục vụ công dân và nền kinh tế quốc dân với mức giá chung do Nhà nước quy định.

Như vậy, tỉnh Sơn La vẫn có cơ hội quy hoạch và xây dựng sân bay Mộc Châu, tuy nhiên tính chất của sân bay này sẽ không giống 31 sân bay được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch.

Sở Xây dựng Đà Nẵng nói gì về Dự án New Danang City?

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa có buổi tiếp công dân liên quan đến Dự án New Danang City (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) do Công ty Phú Gia Thịnh làm chủ đầu tư.

Trước các câu hỏi người dân về vi phạm của Công ty Phú Gia Thịnh thời gian qua, Sở Xây dựng khẳng định việc vi phạm của Công ty Phú Gia Thịnh đã được UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng Điều 10 về tình tiết tăng nặng.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng thông tin, Công ty Phú Gia Thịnh đã có nhiều báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc thỏa thuận với khách hàng.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh dự án, người dân đề nghị Sở Xây dựng có ý kiến liên quan đến 2 phương án của Công ty Phú Gia Thịnh có thiệt hại cho công dân; đại diện Thanh tra Sở cho biết, Sở Xây dựng sẽ căn cứ theo quy định để định hướng cho chủ đầu tư, còn các phương án là do 2 bên tự thỏa thuận vì đây là việc giao dịch dân sự.

Trong văn bản kết luận tiếp công dân, người dân đề cập nếu chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, đề nghị Phòng Quy hoạch Kiến trúc và Phát triển Đô thị khi có ý kiến, lưu ý ý kiến về lịch sử để lại (yếu tố tác động về xã hội) để các cơ quan có thẩm quyền xem xét đề nghị của chủ đầu tư.

Đồng thời, Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản có văn bản gửi Công ty Phú Gia Thịnh liên quan đến việc bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống