Vụ góp vốn “chui” vào Saigon Co.op: Luật sư kiến nghị xem xét lại kết luận thanh tra

Luật sư đại diện cho hợp tác xã (HTX) thành viên của Saigon Co.op vừa gửi kiến nghị lên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về những bất hợp lý trong việc quy kết sai phạm của các HTX thành viên. Thanh tra cho rằng, việc huy động, góp vốn là sai, có dấu hiệu thâu tóm Saigon co.op. Còn Luật sư lại nói, HTX làm đúng luật, lẽ ra cần được biểu dương.

19 HTX bị điều tra sau khi góp vốn vào Saigon Co.op

UBND quận 8 và UBND quận 11 (TP Hồ Chí Minh ) vừa chuyển cơ quan điều tra hồ sơ vụ việc HTX tiêu dùng phường 14, quận 8, và HTX thương mại và dịch vụ quận 11 bị cho là có dấu hiệu vi phạm khi góp "chui" gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op.

Theo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về HTX đối với HTX tiêu dùng phường 14, quận 8 của Thanh tra quận 8, HTX này đã góp vốn "chui" 283 tỷ đồng vào Saigon Co.op.

Tương tự, trường hợp của HTX thương mại và dịch vụ quận 11 (gọi tắt là HTX quận 11) có sai phạm trong việc góp 306 tỷ đồng vào Saigon Co.op.

Cụ thể, tháng 1/2020, HTX quận 11 đã góp 306 tỷ đồng vào Saigon Co.op. Theo cơ quan thanh tra, việc huy động vốn trên nhằm mục đích góp vào Saigon Co.op, không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp tại HTX quận 11. HTX quận 11 đã lợi dụng danh nghĩa là thành viên HTX để góp vốn nhằm mục đích tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op.

17 HTX thành viên khác của Saigon Co.op cũng bị thanh tra quận kết luận tương tự. Cũng theo kết luận thanh tra, hàng loạt HTX bị “bêu tên” là kinh doanh kém hiệu quả, vốn điều lệ thấp nhưng vẫn nộp số tiền khá lớn để bổ sung vốn điều lệ cho Saigon Co.op.

Chính từ những kết luận thanh tra nói trên, toàn bộ vốn huy động đóng góp vào Saigon Co.op của các HTX thành viên bị phong tỏa. Việc này khiến nhiều HTX lâm vào cảnh “khó khăn kép”, khó khăn do đại dịch COVID-19, cộng hưởng với quyết định thanh tra dẫn đến bị treo vốn, nên lâm vào cảnh ngày càng khốn khó thêm.

Một số lãnh đạo HTX bày tỏ sự hoang mang về môi trường đầu tư, kinh doanh của HTX. Số khác thì bày tỏ quan ngại khi HTX của mình bị mang tiếng là đầu tư, góp vốn chui!

“Góp vốn vì Saigon Co.op kinh doanh giỏi”  
“Góp vốn vì Saigon Co.op kinh doanh giỏi”  

Hiện nay, Saigon Co.op đang gặp khủng hoảng, bị điều tra liên quan đến việc huy động 4.000 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều HTX thành viên Saigon Co.op đang làm ăn khó khăn, thậm chí một số HTX thua lỗ nhưng vẫn đi vay để góp số tiền lớn vào Saigon Co.op?

Giám đốc một số HTX thành viên của Saigon Co.op giải thích về mục đích của việc góp vốn rằng: Thực tế, thời gian qua, lãnh đạo Saigon Co.op bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô, tăng thị phần ở nhiều tỉnh thành. Theo đó, Saigon Co.op cần vốn đầu tư lớn, cần bổ sung vốn điều lệ để đáp ứng được tiêu chí vốn đối ứng bằng 30% vốn vay ngân hàng.

Từ nhiều năm nay Saigon Co.op kinh doanh rất giỏi. Saigon Co.op trở thành niềm tự hào của hơn 26.000 HTX, Liên hiệp HTX với 8,1 triệu thành viên trong cả nước. Saigon Co.op có quy mô, nguồn vốn, lợi nhuận và thị phần lớn nhất của kinh tế tập thể nước ta.

Ngay tại thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố cũng đã nói rõ tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Saigon Co.op rất cao, lợi nhuận bình quân luôn từ 800 tỷ đến dưới 1.500 tỷ đồng/năm.

Giám đốc một HTX cho biết, HTX góp vốn vì biết Saigon Co.op giỏi kinh doanh. Nhiều HTX coi việc góp vốn là “thời cơ đổi đời, là cơ hội hội đầu tư, kinh doanh mở rộng thị phần, giải quyết thêm nhiều lao động cho HTX”. Vì thế, nhiều HTX thậm chí đang thua lỗ vẫn huy động từ nguồn vốn hợp pháp để bổ sung vốn điều lệ cho Saigon Co.op, chứ không phải nhằm thâu tóm Liên hiệp HTX này như một số quan điểm suy diễn.

HTX thành viên huy động, góp vốn có phạm luật?

Theo ý kiến của một số luật sư, “HTX là một tổ chức kinh tế do người dân thành lập và quản lý, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động nên không bị hạn chế việc huy động vốn. Việc các HTX huy động vốn bằng kết nạp thành viên mới hay liên doanh liên kết đều đã được quy định trong Luật HTX năm 2012 và Luật Đầu tư.

Khoản 7 điều 32 Luật HTX năm 2012 về quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên, đã chỉ rõ HTX có quyền: “Tăng giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu, thẩm quyền quyết định và phương thức huy động vốn”. Khoản 6 điều 8 Luật HTX năm 2012 quy định quyền của HTX, Liên hiệp HTX được “Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dung nội bộ theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Lưu Văn Tám, người tư vấn pháp luật cho các HTX thành viên của Saigon Co.op, cho rằng: Hồ sơ thể hiện, mục đích các HTX góp vốn vào Saigon Co.op là để đầu tư, mà hoạt động đầu tư cũng là hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX với mục tiêu chung là góp vốn điều lệ của Saigon Co.op theo đúng Thông báo số 660 ngày 12/12/2019 của Saigon Co.op. Đồng thời, “toàn bộ các nguồn vốn góp từ các HTX thành viên đều đảm bảo được tiêu chí của Saigon Co.op là: Các nguồn vốn góp này không phải là vốn vay, hoặc huy động từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh”, Luật sư Tám nói.

Vụ góp vốn “chui” vào Saigon Co.op: Luật sư kiến nghị xem xét lại kết luận thanh tra - Ảnh 1

“Tôi cho rằng việc kết nạp thành viên mới để tăng vốn điều lệ và hợp tác đầu tư để huy động nguồn vốn cho việc phát triển kinh tế tập thể là có căn cứ. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn về quy trình và kỹ thuật để các HTX đưa vốn vào hoạt động, không được cản trở việc làm này của các HTX”, Luật sư Nguyễn Minh Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay.

Đối với nhận định việc góp vốn của các HTX vào Saigon Co.op là có dấu hiệu để tổ chức cá nhân bên ngoài “thâu tóm” Saigon Co.op, nêu trong kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hồ Chí Minh và một số kết luận thanh tra của các quận, huyện, thì một số luật sư cho rằng đây là nhận xét “vội vàng, mang tính suy diễn, không có căn cứ pháp luật”.

“Việc các HTX huy động vốn từ nhân dân hay từ các tổ chức kinh tế là kêu gọi sự tham gia phát triển kinh tế tập thể, là làm theo chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, không thể gọi là “thâu tóm”. Hơn nữa, phát triển kinh tế tập thể, nếu không có sự tham gia của nhiều người, bằng nguồn vốn tư nhân thì không thể thành công vì Nhà nước không sử dụng vốn ngân sách để phát triển HTX.

Vai trò của cơ quan Nhà nước là tạo điều kiện để người dân và tổ chức góp vốn, phát triển HTX chứ không thể cản trở hoạt động này”, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định.

“Tôi gắn bó với HTX, với Saigon Co.op trên 30 năm. Trong thời gian ấy, Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm giải quyết một trong những tồn tại lớn nhất của HTX là vốn. HTX khó huy động vốn vì đặc trưng của kinh tế tập thể là đối nhân không đối vốn. Nghĩa là quyền, lợi ích của xã viên góp vốn nhiều cũng bình đẳng với xã viên góp vốn ít. Điều đó khác hẳn với bản chất của việc góp vốn trong các doanh nghiệp. Cho nên, ai đó suy diễn chúng tôi làm sai, thâu tóm Saigon Co.op là chưa hiểu bản chất của kinh tế HTX”, Giám đốc một HTX thành viên Saigon Co.op nói.

Vị Giám đốc này bày tỏ mong mỏi: “Chiến lược phát triển HTX giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng ký ban hành hồi tháng 3 năm 2021 cũng nhấn mạnh giải pháp phải đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động. Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố minh xét để các HTX yên tâm đầu tư, phát triển đúng như tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sớm tháo gỡ số vốn góp đang bị treo, bị lãng phí để đưa vào hoạt động đầu tư, kinh doanh”.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam