'Vua cá tra' Dương Ngọc Minh muốn bán loạt công ty con để trả nợ nghìn tỷ
CTCP Hùng Vương - doanh nghiệp của "vua cá tra" một thời Dương Ngọc Minh - muốn thoái toàn bộ vốn tại loạt công ty con, để thanh toán, xử lý nhiều khoản nợ lên đến nghìn tỷ đồng.
CTCP Hùng Vương (mã HVG) do ông Dương Ngọc Minh làm Chủ tịch vừa công bố nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chủ trương tái cơ cấu nợ của công ty.
Theo đó, công ty của đại gia Dương Ngọc Minh muốn thoái toàn bộ vốn góp tại 4 công ty thành viên nhằm mục đích huy động nguồn vốn để thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay.
Cụ thể, HVG dự kiến thoái hết sạch 79,58% vốn điều lệ tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), vốn điều lệ 281 tỷ đồng. HVG đang tìm đối tác phù hợp để bán toàn bộ số cổ phiếu sở hữu.
HVG cũng muốn thoái vốn tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), vốn điều lệ 1.045 tỷ đồng. Hiện HVG nắm giữ 50,38% vốn của doanh nghiệp này.
Thêm nữa, HVG sẽ bán sạch 85% vốn tại Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Hùng Vương sẽ bán toàn bộ hoặc bán kho lạnh là tài sản chính thuộc sở hữu của công ty này.
Ngoài ra, HVG cũng dự kiến bán hết 89,99% vốn tại CTCP Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long. Công ty này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng.
Theo HVG, toàn bộ số tiền thu được từ việc thoái vốn như trên (bao gồm cả bán công ty và bán tài sản) sẽ được dành để thanh toán các khoản nợ hiện tại của Hùng Vương. Phương án chi tiết sẽ được HĐQT CTCP Hùng Vương báo cáo tới cổ đông trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Hùng Vương được thành lập năm 2003. Ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu. Vốn điều lệ ban đầu 32 tỷ đồng, công suất 50 tấn nguyên liệu/ngày.
Ông Dương Ngọc Minh được biết đến là doanh nhân một thời nổi tiếng với biệt danh "vua cá tra" cùng slogan "Think of fish, eat panga!" (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra).
Sau đó, Hùng Vương nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Tháng 1/2007, HVG chính thức trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổng tài sản của HVG lên đến 600 tỷ đồng. HVG là nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra khép kín hàng đầu Việt Nam.
Tháng 11/2009, HVG chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp bắt đầu gặp khó từ năm 2015 sau thời gian mở rộng sang nhiều lĩnh vực nhưng không hiệu quả, nhường lại vị trí đầu ngành cho CTCP Vĩnh Hoàn (VHC).
Năm 2016, HVG ghi nhận doanh thu lên tới gần 18.000 tỷ đồng, song lợi nhuận ròng đạt chưa đầy 10 tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu của Hùng Vương vẫn đạt trên 15.500 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế hơn 705 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính gần nhất, Hùng Vương vẫn ngụp lặn trong khó khăn với mức lỗ 1.123 tỷ đồng trong năm 2019 và lỗ lũy kế 1.743 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn chưa đến 660 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả hơn 7.100 tỷ đồng.
Hùng Vương cũng từng được Tập đoàn Thaco rót vốn đầu năm 2020 thông qua việc mua cổ phần trực tiếp và liên kết hợp tác qua công ty con Thadi.
Theo thỏa thuận, Thaco và những cổ đông liên quan sẽ sở hữu 35% cổ phần Hùng Vương và tham gia hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Nhưng đến cuối 2020, Thaco bất ngờ thoái vốn và không còn là cổ đông lớn tại đây.
Tháng 8/2020, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Từ đó, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UPCoM. Tuy vậy, việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến việc bị duy trì diện đình chỉ giao dịch.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định tiếp tục duy trì ở diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu HVG từ ngày 15/12/2023 trên sàn UpCom, do chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi vào diện đình chỉ giao dịch, thị giá của HVG ở mức 1.400 đồng/cp.