Vướng pháp lý khiến các dự án BĐS của doanh nghiệp phá sản rơi vào cảnh "trong chán ngoài thèm"

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa diễn ra, ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp bất động sản giải thế nhưng doanh nghiệp chưa thể mua được dự án nào do tính pháp lý chưa rõ ràng.

Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã CK: HDG) đã chỉ ra một số khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua.

“Năm 2017, kể từ khi có Nghị định 167 tôi đã nhìn thấy bất động sản Việt Nam sẽ càng ngày càng khan hiếm nguồn cung và càng ngày càng khó khăn. Sắp tới có Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành nhưng chính sách bất động sản thường có đỗ trễ rất dài. Do đó, đừng hy vọng năm 2024 sau khi một số luật được ban hành sẽ đổi mới thị trường bất động sản ngay lập tức, điều này là không thể. Bởi Nghị định thường đã có độ trễ kéo dài thì Luật sẽ càng trễ lâu hơn”, ông Thông nói.

Thứ hai là sự thay đổi quá nhiều của các quy định, chỉ thị,… Theo ông Thông, bất động sản là ngành dẫn dắt ngành công nghiệp xây dựng, thị trường chứng khoán, tài chính ngân hàng. Nếu không tháo gỡ được khó khăn cho bất động sản thì các ngành khác cũng gặp khó khăn.

Vị chủ tịch Hà Đô cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh, không thể trông chờ hoàn toàn vào những gì đang có.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hà Đô.  
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hà Đô.  

Đáng chú ý, ông Thông cho biết trong thời gian qua có thông tin cho thấy 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thế, phá sản nhưng Hà Đô chưa mua được dự án nào.

“Hiện nay có rất nhiều dự án doanh nghiệp muốn bán lại nhưng giá quá cao và pháp lý chưa rõ ràng nên rất rủi ro. Hà Đô rất muốn mua dự án của các doanh nghiệp bất động sản phá sản nhưng không thấy dự án đâu”, vị này cho hay.

Còn về khả năng hồi phục sớm của bất động sản trong thời gian tới, ông Trần Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc cho biết hai năm vừa rồi, thị trường gặp khó khăn một phần do nguồn cung khan hiếm do vướng mắc thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, trong quý 1/2023, với một số điều tiết của Chính phủ trong đó Nghị định 10 làm sao để tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

Dưới góc độ của Ban điều hành ông Dũng cho rằng, từ quý 2 - 3/2023, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu tốt hơn, đặc biệt là thủ tục pháp lý sẽ dần được tháo gỡ. Dự kiến quý 4/2023, và năm 2024 nguồn cung của sản phẩm bất động sản sẽ tốt hơn so với năm 2022, thị trường dần khởi sắc. Ban điều hành theo đó cũng sẽ có những chiến lược kinh doanh phù hợp.

Riêng đối với Hà Đô, trong năm nay, doanh nghiệp cho biết sẽ xử lý các tồn tại thủ tục pháp lý tại các dự án, phát triển mạnh các dự án mới. Đồng thời, tập trung nghiên cứu các vùng có định hướng phát triển của Hà Nội và TPHCM, mục tiêu dự kiến phát triển thành công tối thiểu 2 dự án.

“Trong thời gian tới, mục tiêu của Hà Đô sẽ phát triển dự án trong Sài Gòn, dự án khu đô thị lớn ở Bình Dương…”, Phó Tổng Giám đốc Hà Dô nhấn mạnh.

Về kết quả kinh doanh quý I/2023, vị Phó Chủ tịch HDG ước doanh thu đạt gần 977 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế hơn 249 tỷ đồng. Trong đó, mảng năng lượng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh doanh với gần 70%, bất động sản chỉ chiếm khoảng 30%.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển