Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/2): BSR, VNM và HDG

PHS cho rằng BSR có thể tiếp tục củng cố biên lợi nhuận nhờ biên lọc dầu tốt của DO, được sử dụng thay cho khí để sản xuất điện. Do DQRE thường xuyên hoạt động trên 100% công suất thiết kế, BSR sẽ tiến hành mở rộng nhà máy với một dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/2): BSR, VNM và HDG
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/2): BSR, VNM và HDG

BSR: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 24.900 đồng/cổ phiếu

Kết thúc năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đạt 167,1 nghìn tỷ đồng (tăng 65%) và lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 14,4 nghìn tỷ đồng (tăng 115%), con số tăng tưởng vượt bậc trong nhiều năm nhờ vào điều kiện kinh doanh đặc biệt thuận lợi.

Thế giới và Việt Nam trong năm qua đều trải qua giai đoạn khan hiếm nguồn cung xăng dầu nghiêm trọng vì các nhà máy lọc dầu chưa kịp khởi động lại trong lúc chiến sự ở Ukraine leo thang nhanh chóng. Ngoài ra, BSR còn hưởng lợi ngắn hạn nhờ sự gián đoạn hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vì vấn đề tài chính.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chiến sự ở Ukraine được cho là sẽ kéo dài nhưng cán cân cung – cầu đã dần tìm lại được thăng bằng khi các nhà cung cấp lớn đã tăng sản lượng để khỏa lấp phần nào khoảng trống mà Nga để lại. Dù vậy vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gây áp lực lên nguồn cung như việc Trung Quốc ngày càng mở cửa nền kinh tế và Nga liên tiếp đe dọa cắt giảm nguồn cung để đối phó với các lệnh trừng phạt.

Do đó, PHS cho rằng giá dầu Brent trung bình năm 2023 sẽ là 90 USD/thùng, biên lọc dầu của các sản phẩm chủ chốt như Mogas 92, Mogas 95 có thể giảm đáng kể và duy trì ở mức 12 USD/thùng, DO là 17 USD/thùng. Ngoài ra, năm 2023, công ty sẽ bước vào giai đoạn bảo trì lớn lần 5, việc sản xuất sẽ bị gián đoạn từ 45 đến 60 ngày, vì vậy, PHS dự phóng sản lượng cho năm 2023 giảm 12,5%.

Khi đó, doanh thu thuần sẽ lui về 118,7 nghìn tỷ đồng (giảm 17,1%) và lợi nhuận sau thuế là 7,4 nghìn tỷ đồng (giảm 48%). Và biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt về mức 7% trong năm 2023, giảm đáng kể từ mức đỉnh 10% trong năm qua.

PHS cho rằng BSR có thể tiếp tục củng cố biên lợi nhuận nhờ biên lọc dầu tốt của DO, được sử dụng thay cho khí để sản xuất điện. Do DQRE thường xuyên hoạt động trên 100% công suất thiết kế, BSR sẽ tiến hành mở rộng nhà máy với một dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng.

Dự án này sẽ giúp khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu chất lượng EURO5 do chính phủ quy định. Theo BSR, dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, do đó, PHS kỳ vọng sản lượng có thể bật tăng thêm khoảng 16% vào năm 2026.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 24.900 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 60%. Định giá này đã tính đến kế hoạch nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất gần nhất và đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5, có thể khiến sản lượng giảm 12,5% vào năm 2023.

VNM: ACBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 74.065 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) công bố doanh thu thuần 2022 đạt 60.075 tỷ đồng (giảm 1,6%) và lợi nhuận sau thuế đạt 8.578 tỷ đồng (giảm 19,3%). Doanh thu nội địa giảm 1%, bao gồm mức giảm 5,9% trong quý II/2022 do công ty sắp xếp lại hệ thống phân phối, sản lượng tiêu thụ giảm do tang giá bán, cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực lạm phát tác động lên cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng.

Doanh thu từ thị trường nước ngoài giảm 4,8% trong năm 2022, trong đó doanh thu từ các công ty con ở nước ngoài tăng 23,3% trong khi xuất khẩu trực tiếp giảm 21,2% do tiêu dùng yếu hơn trong bối cảnh lạm phát leo thang. 

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng doanh thu của VNM có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2023 (giả định không tăng giá bán) nhờ tăng trưởng doanh thu nội địa sau khi công ty đã sắp xếp lại hệ thống phân phối và đang có kế hoạch thay đổi/nâng cấp sản phẩm về hương vị, bao bì, tiêu chuẩn chất lượng,...

Tuy nhiên, ACBS vẫn giả định mức tăng trưởng ở một chữ số sau khi xem xét xu hướng tăng trưởng của công ty và sức mua của người tiêu dùng trước những lo ngại về sự ổn định của thu nhập và việc làm khi tình hình kinh tế không thuận lợi.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VNM giảm 19,3% do biên lợi nhuận gộp thu hẹp hơn mặc dù tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần giảm (đạt 23,6% so với 23,8% năm 2021). Biên lợi nhuận gộp giảm xuống 39,9% so với 43,1% trong 2021 do giá nguyên liệu sữa tăng mạnh từ cuối năm 2021.

Tuy nhiên, với việc giá nguyên liệu sữa đã đảo chiều kể từ nửa cuối 2022, VNM ước tính biên lợi nhuận gộp có thể cải thiện từ quý III/2023, chậm hơn so với kỳ vọng của ACBS trước đây. ACBS dự phóng biên lợi nhuận gộp của công ty ở mức 40,7% trong năm 2023 và mở rộng hơn nữa trong năm sau.

ACBS dự phóng doanh thu thuần của VNM trong 2023 là 61.850 tỷ đồng (tăng 3,2%) và lợi nhuận sau thuế là 9.350 tỷ đồng (tăng 9%). Kết hợp phương pháp DCF và P/E, ACBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VNM với giá mục tiêu là 74.065 đồng/cổ phiếu.

HDG: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 42.000 đồng/cổ phiếu

Kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) đi ngang trong năm 2022. Theo đó, kết thúc năm 2022, HDG ghi nhận 3.642 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,6% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.377 tỷ đồng, tăng 3,4%.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), năm 2022 được đánh giá là năm rất khó khăn với các doanh nghiệp bât động sản do đó việc HDG đạt kết quả kinh doanh như trên là điểm sáng hiếm hoi của toàn ngành.

Trong năm 2022, mảng năng lượng của HDG đã bù đắp sự sụt giảm từ bất động sản. Thực tế mảng kinh doanh bất động sản của HDG cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong năm 2022, chỉ ghi nhận 1.143 tỷ đồng doanh thu, bằng 63,5% so với mức kế hoạch 1.800 tỷ đồng được công ty đặt ra đầu năm.

Tuy nhiên mảng năng lượng đã vươn lên trở thành trụ cột về doanh thu và lợi nhuận của HDG. Trong năm doanh thu mảng năng lượng đã tăng trưởng 69% so với cùng kỳ, đạt 2.161 tỷ đồng, MASVN ước tính mảng năng lượng đã mang lại hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chiếm gần 60% tổng lợi nhuận của HDG.

Tăng trưởng khả quan của mảng Năng lượng đến từ việc công ty đã vận hành 2 nhà máy thủy điện là Dak mi 2 (147MW) và Sông Tranh 4 (48MW) từ cuối năm 2021 và nhà máy điện gió 7A (50MW) nâng tổng công suất mảng năng lượng lên 462MW.

MASVN dự kiến năm 2023, HDG vẫn sẽ vững vàng trong tâm bão. Theo đó, tại hội nghị tổng kết năm diễn ra mới đây, lãnh đạo tập đoàn đã công bố kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.053 tỷ đồng.

Theo đó, HDG sẽ tiếp tục tập trung chính vào các lĩnh vực mũi nhọn như bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính, trong đó năng lượng vẫn tiếp tục là đầu kéo chính cho công ty.

Mảng kinh doanh bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục hạch toán các căn còn lại đã bán trong giai đoạn 1 và 2. MASVN ước tính sẽ đóng góp hơn 700 tỷ đồng doanh thu cho công ty. Ngoài ra nếu trong năm 2023 HDG triển khai mở bán giai đoạn 3 của dự án Hado Charm Villas thì đó sẽ là điểm nhấn quan trọng, hỗ trợ đến giá của HDG.

HDG còn 9 dự án trên tổng diện tích 123,2ha dự kiến sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025. Kế hoạch sắp tới, HDG dự kiến M&A với 1 công ty bất động sản có sẵn quỹ đất sạch hoặc tham gia đấu giá để mua lại quỹ đất.

HDG đang nghiên cứu các dự án mới tại Thanh Oai (Hà Nội), Bình Chánh (TP. HCM) nâng tổng quỹ đất lên 450 ha vào cuối 2025. MASVN đánh giá khó khăn chung của ngành bất động sản có thể sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thanh khoản tốt thực hiện phát triển quỹ đất trong tương lai.

MASVN kỳ vọng HDG sẽ hướng đến mức P/B 2 lần, tương ứng với mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua. Tại mức giá này, mức P/E dự phóng cho năm 2023 đạt 9,7 lần.

VietnamFinance