Xây cao tốc qua Nam Định - Thái Bình: Geleximco của 'đại gia' Vũ Văn Tiền mạnh cỡ nào?
Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư là 19.784,55 tỷ đồng.
Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.
Theo đó, dự án do Tập đoàn Geleximco đề xuất đầu tư, với tổng mức đầu tư sơ bộ của là 18.927,63 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay), tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784,55 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn của dự án bao gồm: nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm 52,8% tổng vốn (10.447,56 tỷ đồng); nhà nước tham gia 47,2% tổng vốn (9.337 tỷ đồng). Trong tổng vốn nhà nước, vốn ngân sách Trung ương bố trí 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình bố trí 1.462 tỷ đồng (tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Thái Bình); vốn ngân sách tỉnh Nam Định bố trí 1.675 tỷ đồng (tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Nam Định).
Dự án có tổng chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6km; đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km. Dự án sẽ sử dụng khoảng 522,63ha đất (251,15ha của tỉnh Nam Định, 271,48ha của tỉnh Thái Bình).
Điểm đầu dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng; điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình thực hiện trách nhiệm là cơ quan có thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án, tổ thức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định pháp luật có liên quan.
Từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn nghìn tỷ
Gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch, người sáng lập Vũ Văn Tiền, Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng. Đến năm 2019, Geleximco đã tăng vốn điều lệ lên 9.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất, nửa đầu năm 2023, Tập đoàn Geleximco lãi sau thuế 15,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 337 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận kỳ này của Geleximco giảm 95% so với cùng kỳ 2022.
Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này khoảng 12.800 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kỳ trước. Nợ phải trả của Geleximco cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng 28.180 tỷ đồng. Trong đó, công ty nợ trái phiếu hơn 4.600 tỷ đồng, giảm hơn 440 tỷ đồng so với tháng 6/2022.
Tập đoàn này hiện hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.
3 dự án nổi bật của Geleximco là nhiệt điện Thăng Long (tổng vốn đầu tư 900 triệu USD), nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa (tổng vốn đầu tư 450 triệu USD) và VAP - dự án liên doanh cùng Honda Motor (tổng vốn đầu tư 90 triệu USD).
Bất động sản là mảng mang lại nguồn thu lớn nhất cho Geleximco và cũng là một trong những mảng hoạt động quan trọng nhất của tập đoàn này.
Ngoài Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng) tại Đồ Sơn - Hải Phòng, những dự án bất động sản mang thương hiệu của Geleximco gây được tiếng vang trên thị trường như: Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, khu đô thị An Bình City...
Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...
Đầu tháng 11 mới đây, Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc chính thức ký kết hợp đồng nguyên tắc về Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Thái Bình.
Dự án hợp tác của Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo được xây dựng tại Khu công nghiệp Hưng Phú – Khu kinh tế tỉnh Thái Bình với 3 giai đoạn cùng tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 800 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2023 – 2030) có vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, tập trung xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 (năm 2031-2033) có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD với công suất sản xuất 100.000 xe/năm và giai đoạn 3 (năm 2034-2035) có vốn đầu tư ước khoảng 380 triệu USD với công suất sản xuất 200.000 xe/năm.
Dự kiến, Tập đoàn Geleximco sẽ khởi công xây dựng Nhà máy giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý III/2025 và ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025.