Xây nhà không phép, gần 500 hộ dân "ngồi trên lửa"
- Mua đất nông nghiệp bằng giấy tay, xây nhà không phép, đến khi chính quyền có quyết định thu hồi làm dự án thì gần 500 hộ dân đứng ngồi không yên
Tình trạng xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm qua. Trước năm 2014, tình trạng này diễn ra ồ ạt, một phần cũng bởi sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, đã để hình thành nên những khu phố, con hẻm xây trái phép mà đường điện, nước có thể vào tận nơi. Đến nay, khi cần đất để làm dự án thì chính quyền địa phương lại buộc phải giải tỏa những hộ dân này.
Đua nhau xây không phép
Nhiều ngày qua, gần 500 hộ dân sống tại phường 12, TP Vũng Tàu như ngồi trên đống lửa sau khi nhận được quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương để làm dự án Khu tái định cư phía Tây Bắc ven đường AIII, phường 12.
Dự án này có diện tích khoảng 24,8 ha với tính chất là khu nhà ở phục vụ nhu cầu tái định cư trên địa bàn TP Vũng Tàu, bao gồm các công trình hạ tầng nhà ở xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến, dự án này sẽ giải quyết cho khoảng 977 hộ, tương đương 5.000 người có chỗ ở.
Đây là khu vực đất nông nghiệp. Theo danh sách điều tra cơ bản ban đầu thì có 276 hộ bị giải tỏa nhưng thực tế, số hộ giải tỏa lên đến gần 500 do việc tách thửa, chuyển nhượng bằng giấy tay.
Một trong những hẻm có nhà xây không phép bị thu hồi làm dự án ở TP Vũng Tàu
Những hộ dân nơi đây đa phần là lao động có thu nhập thấp, từ nhiều địa phương khác chuyển đến. Họ mua đất nông nghiệp bằng hình thức viết giấy tay với mỗi nền khoảng 150 đến 250 triệu đồng rồi xây nhà cấp 4 và đã ở ổn định từ nhiều năm nay, có những trường hợp mua bán qua hai - ba lần. Đến khi có quyết định thu hồi đất thì các hộ dân này mới tá hỏa khi biết sẽ không được bồi thường do xây dựng không phép sau ngày 1-7-2006 theo khoản 2, điều 92, Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 25/2016 QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quyết định của UBND TP Vũng Tàu, do việc mua bán bằng giấy tay chưa được cấp có thẩm quyền xác nhận nên sẽ chỉ bồi thường cho những người là chủ đất (chủ đất và những hộ mua giấy tay sẽ thỏa thuận để trả lại tiền bồi thường - PV) với giá đất nông nghiệp.
Chị Trần Thị Giang (ngụ hẻm 1216 Đô Lương, TP Vũng Tàu) cho biết năm 2009, gia đình chị mua 100 m2 đất nông nghiệp bằng giấy tay với giá 219 triệu đồng của ông Nguyễn Xuân Thường. Thấy các hộ khác xây được nên gia đình chị Giang cũng xây nhà cấp 4 và không bị chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ. "Với giá đất mà chính quyền đền bù là 1,1 triệu/m2 thì những hộ dân ở đây biết đi đâu để sống?" - chị Giang lo lắng.
Ông Lê Xuân Thổ (ngụ hẻm 1216 Đô Lương) bày tỏ: "Chúng tôi biết xây dựng trên đất nông nghiệp là sai nhưng cái lý thì cũng nên có tình. Chúng tôi đã ở đây 6-7 năm nay, cũng là dự án tái định cư, an sinh thì hãy để chúng tôi được tiếp tục ở và chấp nhận một phần thiệt hại".
Bảo đảm công bằng
Đến nay, UBND TP Vũng Tàu đã phê duyệt kinh phí bồi thường cho 66 hộ có đất (thực tế nhiều hơn vì bị phân lô). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ không nhận tiền mà khiếu nại quyết định của UBND TP Vũng Tàu với lý do đề nghị được bồi thường nhà, vật kiến trúc không phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1-6-2006, được tái định cư hoặc giao đất ở mới…
Dự kiến trong tháng 10-2017, UBND TP Vũng Tàu sẽ ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tiếp cho 5 hộ dân với tổng số tiền khoảng 4 tỉ đồng.
Đối với những vấn đề mà hàng trăm hộ dân đang lo lắng, ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, khẳng định để thực hiện đúng quy định của pháp luật về đền bù, tái định cư và bảo đảm công bằng trong xã hội, hộ dân nào có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, có đất ở, nhà ở theo đúng pháp luật quy định thì sẽ được nhà nước giải quyết tái định cư, đất ở mới. Những trường hợp xây nhà, sử dụng đất không đúng mục đích, trái quy định pháp luật thì không thể giải quyết theo yêu cầu.
"Đối với giá đất, TP đã đền bù theo khảo sát thị trường, tính cụ thể cho từng loại đất, từng vị trí, có so sánh với các dự án trong khu vực nên hoàn toàn phù hợp chứ không thấp" - ông Thảnh khẳng định.
Để bảo đảm cuộc sống cho những hộ dân nơi đây, UBND TP Vũng Tàu đã có báo cáo đề xuất ý kiến với Ban Thường vụ Thành ủy TP nhằm có hướng giải quyết, trong đó đưa ra 4 trường hợp. Theo đó, những hộ đủ điều kiện để tái định cư (có đất ở, được cấp giấy phép xây dựng, không có nhà ở nào khác tại phường 12) thì TP sẽ giao tái định cư theo đúng quy định bằng diện tích đất ở thu hồi.
Trường hợp đã có quá trình xây dựng nhà trên đất nông nghiệp trước thời điểm ngày 1-7-2004 mà không bị cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính; có nhà, hộ khẩu, KT3 và sinh sống ổn định ở đó thì TP sẽ xem xét hỗ trợ 100% vật kiến trúc, xem xét giao đất ở mới nếu hộ dân không còn nơi ở nào khác, có nhu cầu và đơn xin giao đất ở mới.
Trường hợp đã có quá trình xây dựng nhà trên đất nông nghiệp sau thời điểm ngày 1-7-2004 và trước ngày 1-7-2006 mà không bị lập biên bản, xử phạt thì TP sẽ xem xét hỗ trợ 80% vật kiến trúc, xem xét giao đất ở mới nếu hộ dân không còn nơi ở nào khác, có nhu cầu và đơn xin giao đất ở mới.
Trường hợp người dân mua đất nông nghiệp và xây nhà sau thông báo thu hồi đất thì chỉ được đền bù về đất nếu có giấy tờ hợp pháp, phần nhà, vật kiến trúc sẽ không được hỗ trợ. Những hộ này cũng không đủ điều kiện để được giao đất ở mới. Tuy nhiên, UBND TP Vũng Tàu cũng đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP xin chủ trương cho phép những hộ này được mua nhà ở xã hội, đất ở theo quy hoạch đã đầu tư hạ tầng (dự kiến mỗi lô đất không quá 60 m2) theo giá khảo sát do UBND tỉnh phê duyệt.
>>> Khu đô thị Park City Hà Nội: Căn hộ siêu sang vừa bàn giao đã nứt chằng chịt
>>> Đất 'vàng' công sản Đà Nẵng và Vũ 'nhôm'
Theo Ngọc Giang
Người Lao động
Link nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/xay-nha-khong-phep-gan-500-ho-dan-ngoi-tren-lua-20170924213908257.htm