Xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực ở phân khúc nhà ở xã hội

Nhiều chuyên gia trong ngành chỉ ra, nhà xã hội chính là phao cứu sinh của doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, xuyên suốt năm ngoái, xây nhà xã hội chủ yếu nằm ở kế hoạch và việc tìm hiểu đầu tư. Đến nửa đầu năm 2024, cuộc đua xây nhà xã hội nóng lại và được các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ.

Xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực ở phân khúc nhà ở xã hội - Ảnh 1

Có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản trầm lắng, phân khúc bất động sản nghiêng gánh nặng về nhà ở bình dân, khi áp lực về sức cầu lớn mà nguồn cung thì lại không có. Nhiều tồn tại bất cập khiến thị trường đã khó nay càng trở nên khó khăn hơn, vấn đề về nguồn cung giá rẻ chưa được giải quyết thì thị trường chưa thể hồi phục và doanh nghiệp bất động sản cũng chưa thể hết khó khăn.

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những "ông lớn" vốn chỉ làm dự án cao cấp đã gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội giá rẻ với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn. Đơn cử như Vinhomes của Tập đoàn Vingroup đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa, bổ sung hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương.

Đồng thời, tập đoàn này cũng đang tiếp tục thực hiện thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP.HCM...

Hay Tổng công ty Viglacera cũng đã bàn giao khoảng 5.000 căn hộ tại Hà Nội và đang triển khai ở 4 địa phương gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô hơn 10.000 căn. Hiện đã có sẵn khoảng 3.000 căn có thể đưa vào sử dụng với giá bán 8-10 triệu đồng/m2 và giá căn hộ 250-600 triệu đồng/căn.

Gần đây nhất, Tập đoàn địa ốc Hoàng Quân đã ký hợp tác chiến lược với Novaland để xây nhà ở xã hội tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, mục tiêu hoàn thành 3.000 căn trong năm nay. Theo thỏa thuận, Địa ốc Hoàng Quân và Novaland sẽ cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất sẵn có của cả hai để xây dựng các dự án nhà xã hội tại TP HCM và nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

Hay như trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cũng cho biết, doanh nghiệp này muốn làm gần 10.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa phương, tập trung ở Hà Nội, Hà Nam, Đồng Nai. Hancorp là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, được biết đến chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở khu vực Tây Hồ Tây.

Cần sớm gỡ rào cản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, dù các doanh nghiệp đang đẩy mạnh triển khai nhà ở xã hội, nhưng vẫn vướng ở cơ chế, chính sách, tài chính. Kể cả việc định giá cho phân khúc này cũng chưa có, nên không có căn cứ để ra giá bán. Việc giao đất cho các chủ đầu tư cũng đang vướng các thủ tục đấu thầu, đấu giá… Do đó, cần phải có giải pháp tháo gỡ ngay.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết từ năm 2021 đến quý 1-2024, TP.HCM có 3 dự án nhà ở xã hội toàn tất xây dựng với 865 căn hộ. Hiện có 5 dự án nhà ở xã hội và một dự án nhà lưu trú công nhân đang được xây dựng với quy mô 4.754 căn.

Đến ngày 30-4-2025, TP sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý cho 37 dự án nhà ở xã hội với quy mô 35.000 căn.

Tuy nhiên, theo ông Khiết, các dự án nhà ở xã hội hiện gặp vướng, liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác quy hoạch, việc đấu thầu, vấn đề tài chính…

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng trong cả quý 1-2024, toàn TP không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng. Chỉ một dự án nhà ở xã hội là dự án cũ đã hoàn thành với 242 căn hộ.

Với những số liệu trên, ông Châu cho rằng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, nhà lưu trú cho công nhân đang thiếu trầm trọng và thực trạng này còn kéo dài.

Theo ông Châu, tất cả các dự án nhà ở xã hội (kể cả dự án nhà ở thương mại) hiện ách tắc ở thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư khiến các dự án đều vướng ngay khâu pháp lý đầu tiên.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng, hiện nguồn vốn tín dụng vẫn bình thường, nếu chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện theo quy định thì ngân hàng sẽ cho vay. Vấn đề quan trọng nhất là tháo gỡ các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, để có đủ nguồn cung cho thị trường khi đó giá nhà chung cư mới ổn định. “Nhu cầu ở luôn tăng, trong khi nguồn cung không có thì giá sẽ bị đẩy lên cao”, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống