1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025?
Trước đó, mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chưa thực hiện được.
Theo nghị quyết mới về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 được Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có 15-20 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD.
Với khoảng 810.000 doanh nghiệp tính đến năm 2020, để đạt mục tiêu trên, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp trong 5 năm tới phải đạt 12 - 14%/năm, tính ra mỗi năm sẽ có thêm 100.000 - 150.000 doanh nghiệp, báo Tuổi trẻ tính toán.
Trước đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên, mục tiêu này đến năm 2020 chưa đạt được.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chưa thành, Việt Nam hướng tới mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 |
Theo lý giải của Bộ KH-ĐT, tại thời điểm năm 2016, khi xây dựng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, Chính phủ đã rất kỳ vọng vào các nhóm giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết 35/NQ-CP.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đa số các chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, mà chưa đi vào cuộc sống.
Hơn nữa, mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng hạn chế. Hộp thư điện tử, đường dây nóng trả lời doanh nghiệp ở các địa phương hầu như không hoạt động, doanh nghiệp gửi câu hỏi đến nhưng sau mấy tháng không có thông tin phản hồi.
Đặc biệt, theo Bộ KH-ĐT, chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, do đó số doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực doanh nghiệp.
Một nguyên nhân quan trọng khác được Bộ KH-ĐT chỉ ra là do những tác động của dịch Covid-19. Do dịch, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng đăng ký kinh doanh có thời hạn, rút lui khỏi thị trường tăng đột biến.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong khi đó, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước.
Trước đây, khi bàn về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, có chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cách nhanh nhất là chuyển những hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi lên doanh nghiệp cần có sự tự nguyện từ các hộ kinh doanh cá thể. Nhà nước không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp vì việc lựa chọn kinh doanh theo mô hình nào là quyền của họ, miễn sao họ cảm thấy phù hợp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Từng phát biểu về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, không nên quá đặt nặng thành tích phát triển số lượng mà đến lúc cần phải thay đổi định hướng phát triển doanh nghiệp.
“Cần một chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp mạnh về “chất” chứ không phải đơn thuần chỉ phát triển về số lượng. Cần xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp, lớn có, nhỏ có để hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Điều này trên thực tế Việt Nam đang yếu hơn nhiều so với ngay cả các quốc gia trong khu vực”, ông Thiên nói.