1 tháng 2 lần xin gỡ vướng, TP.HCM bế tắc tính tiền sử dụng đất
Việc Cục Thuế TP.HCM trong vòng 1 tháng 2 lần xin chỉ đạo “gỡ vướng” cho thấy tính cấp bách vấn đề tính tiền sử dụng đất theo quy định mới, nhằm tháo gỡ ách tắc hàng ngàn hồ sơ nhà đất của người dân
Tắc nghẽn hồ sơ đất đai
Trong văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM mới đây, Cục Thuế TP cho biết, chỉ trong tháng 8/2024, cơ quan này đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ liên quan đến thủ tục nhà đất. (Xem thêm)
Trong đó có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, có 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Được biết, trung tuần tháng 8 vừa qua, Cục Thuế TP cũng đã có văn bản báo cáo gửi UBND TP.HCM liên quan đến việc giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8/2024.
Theo đó các quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2024 (Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM) sẽ được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, việc áp dụng Quyết định số 02/2020 đối với các trường hợp áp dụng giá đất tại bảng giá đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024 sẽ phát sinh những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế.
Trao đổi với anh Nguyễn Hoàng Khánh (ngụ tại quận 12), anh cho biết: Khi hay tin Bảng giá đất mới sẽ cao hơn nhiều lần khi có hiệu lực vào đầu năm 2026, gia đình tôi quyết định chuyển một phần đất trồng cây lâu năm hiện đang cất nhà sinh sống thành đất ở, để tránh việc phải đóng tiền chuyển mục đích tăng cao sau này.
Tuy nhiên, hồ sơ đã nộp hơn tháng nay nhưng anh Khánh vẫn chưa nhận được thông báo đóng tiền của cơ quan thuế.
"Hiện nay, tôi nghe nhiều thông tin khác nhau về cách tính giá đất mới nên khá lo lắng, vì sẽ không biết sẽ phải đóng bao nhiêu tiền cho việc này”, anh Khánh lo lắng
Không chỉ việc chuyển mục đích tiền sử dụng đất bị “tắc nghẽn”, mà các thủ tục khác như chuyển nhượng BĐS, đóng thuế TNCN… cũng trong tình trạng tương tự.
Chị Thanh Hà, một môi giới BĐS tại quận 7 cho hay, vừa tư vấn thành công xong một giao dịch mua bán căn hộ tại quận 10, đã hoàn thành thủ tục công chứng với giá hơn 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày nộp hồ sơ chuyển nhượng và các giấy tờ liên quan đến đóng thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đến nay vẫn chưa có kết quả, cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng vẫn chưa thể hoàn thành giao dịch của mình.
“Có thể nói tác động tích cực từ các bộ luật mới liên quan đến nhà đất đang giúp thị trường BĐS thành phố ấm trở lại, giao dịch tăng cao. Nhưng chưa thấy tháo gỡ những vướng mắc sau đó, e ngại là thị trường sẽ sớm trở lại giai đoạn trầm lắng như năm 2023”, chị Hà chia sẻ.
Gỡ vướng để không “mất đà” phục hồi
Theo dữ liệu thị trường tháng 7/2024 của Batdongsan.com.vn, tại TP.HCM ghi nhận mức độ quan tâm BĐS có xu hướng ổn định, tăng nhẹ ở một số loại hình. Cụ thể, nhà riêng và đất nền có mức độ quan tâm tăng 2%, mức độ quan tâm với chung cư và biệt thự đi ngang trong tháng 7.
Ngoài ra, lượng tin đăng tăng mạnh ở mảng mua bán. Trong đó, lượng tin đăng nhà riêng TP.HCM tăng 8%, nhà mặt phố TP.HCM tăng 7%, chung cư TP.HCM tăng 6%, đất nền TP.HCM tăng 8%, biệt thự TP.HCM tăng 6%. Các khu vực có mức độ quan tâm tăng trưởng nổi bật trên thị trường mua bán phải kể đến, Bình Chánh và Hóc Môn tăng 7%, khu vực quận 9 cũ tăng 4%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy giao dịch BĐS trong hơn 1 tháng qua tại TP.HCM có phần kém sôi động. Khảo sát tại một số phòng công chứng cho thấy hoạt động công chứng chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu “hạ nhiệt” hơn thời điểm tháng 7/2024.
Anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên môi giới tại một sàn giao dịch BĐS tại TP.Thủ Đức cho hay, tháng 8 hàng năm thường giao dịch BĐS ít sôi động do trùng vào tháng 7 Âm lịch, năm nay người mua bán còn có thêm tâm lý quan sát các tác động của luật mới đến thị trường thì họ mới tiến hành giao dịch.
“Do các quy định liên quan đến giá đất đang trong giai đoạn thay đổi kể từ sau ngày 1/8, nên hoạt động công chứng chuyển nhượng BĐS suy giảm, nhất là ở vùng ven liên quan đến nhà liền thổ”, anh Hùng nói.
Chia sẻ về vấn đề “vướng” cách tính giá đất để hoàn thành các thủ tục liên quan đến BĐS, chị Thanh Hà bức xúc: "Thông tin hồ sơ bị “treo” vì lý do chưa biết tính theo bảng giá đất nào trong khi bảng giá đất hiện hành vẫn còn hiệu lực theo quy định của luật Đất đai 2024, theo tôi như vậy là không thỏa đáng".
Lý giải điều này, đại diện UBND TP.HCM cho hay, nếu tiếp tục cho phép áp dụng Bảng giá đất 2020 - 2024, không có hệ số điều chỉnh giá đất (không có tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm) thì việc tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS không thể thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Do vậy, Ngày 17/8 vừa qua, TP. HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn, để tránh ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM.
Đại diện Cục Thuế TP cũng cho biết, để giải quyết hồ sơ tính nghĩa vụ tài chính về đất đai kịp thời, thống nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật khi Luật Đất đai 2024 và nghị định số 103 của Chính phủ có hiệu lực, từ ngày 1/8, cơ quan thuế đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỉ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...). Để từ đó cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024.
Ngoài ra, để tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại, ảnh hưởng đến nhu cầu thực tế và quyền lợi hợp pháp của người dân, Cục Thuế TP.HCM sẽ báo cáo Tổng cục Thuế về việc giải quyết các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính nêu trên khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.