2 phân khúc BĐS vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt
Ở thời điểm hiện tại, hai phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản thương mại, văn phòng vẫn là điểm sáng của thị trường bất động sản.
Trong khoảng thời gian chờ các bộ Luật mới "ngấm", thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
Về phân khúc bất động sản thương mại, văn phòng, Phó trưởng ban nghiên cứu Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Bà Phạm Thị Miền đánh giá vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Nguồn cung phân khúc này tại Hà Nội đạt 2,1 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy đạt 85%; tại TP.HCM đạt 2,7 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.
Khoảng 67.000 m2 diện tích sàn bán lẻ được bổ sung từ 3 trung tâm thương mại mới. Các trung tâm thương mại mới đều đạt tỷ lệ lấp đầy cao, khoảng 90% ngay tại thời điểm khai trương.
Theo bà Miền, nguồn cầu "sôi động" nhờ hoạt động mở rộng thị phần sôi nổi của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước từ lĩnh vực siêu thị, F&B, thời trang… như Fuji Mart, Wincommerce, Highlands Coffee, Phúc Long, Starbucks, Hadilao, Muji, Uniqlo… Xu hướng phát triển các tổ hợp mua sắm- vui chơi giải trí- ẩm thực dưới dạng các phố thương mại, nổi bật là Grand World (The Venice và K-Town), Center Point, Little Hong Kong.
Giá thuê của phân khúc bất động sản thương mai, văn phòng duy trì tăng trưởng ổn định. Tại Hà Nội, giá thuê tại các trung tâm thương mại dao động từ 45-60 USD/m2/tháng. Tại TP.HCM, khu vực trung tâm vẫn duy trì giá thuê ở mức cao, khoảng 140 USD/m2/tháng. Giá thuê tại khu vực ngoại trung tâm tăng nhẹ, đạt mức 40 USD/m2/tháng.
Về phân khúc bất động sản công nghiệp, bà Phạm Thị Miền cho biết, trải qua những giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản như đại dịch Covid-19, thời kì khủng hoảng của thị trường, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Hiện cả nước có 418 khu công nghiệp đã thành lập, 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong đó, 5 tỉnh, thành trên cả nước có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Bắc Ninh.
Theo bà Miền, nhu cầu thuê đất công nghiệp ở phân khúc bất động sản công nghiệp hiện rất lớn và có xu hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, nhu cầu nhà xưởng, nhà kho xây sẵn tăng cao.
Hiện tỷ lệ lấp đầy trung bình ở các khu công nghiệp đạt khoảng 75%. Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82%; các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. Giá đất của phân khúc bất động sản công nghiệp tăng ổn định, đạt 8%-12%/năm. Miền Bắc giá thuê đạt trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê. Miền Nam, giá thuê đạt trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 10 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhiều khu công nghiệp quy mô lớn khởi công như VSIP Lạng Sơn, VSIP Hà Tĩnh,… Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, nhiều tỉnh/thành cũng lên kế hoạch/ra quyết định điều chỉnh, thậm chí "xóa sổ" một số khu công nghiệp.
Các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả các doanh nghiệp trước đây chỉ tập trung phát triển phân khúc nhà ở cũng như một số tập đoàn hoạt động đa ngành như DIC Holdings, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô,… đã và đang lên kế hoạch "thâu tóm" quỹ đất để phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận những diễn biến khả quan của thị trường bất động sản khu công nghiệp. Giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Bắc tăng nhẹ 0,3% so với quý trước và 4,5% so với cùng kỳ, đạt ngưỡng trung bình 134 USD/m2/kỳ hạn còn lại.
Đối với khu vực phía Nam, giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Nam giữ mức 173 USD/m2/kỳ hạn còn lại, ổn định so với quý trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích hấp thụ trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt hơn 220 ha giúp tỷ lệ lấp đầy tại khu vực phía Bắc duy trì ở ngưỡng 83%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường miền Nam, tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 89% và diện tích hấp thụ đạt hơn 259ha trong sáu tháng đầu năm 2024. Các nhà sản xuất có xu hướng mở rộng ra các thị trường như Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi quỹ đất công nghiệp còn tương đối dồi dào cùng với giá thuê cạnh tranh hơn so với các thị trường cấp 1 khác.
Theo bà Miền, hai phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản thương mại, văn phòng sẽ tiếp tục tăng trưởng thời gian tới. Hoạt động M&A trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục sôi động hơn với "trợ lực" từ hành lang pháp lý khi các bộ Luật quan trọng có hiệu lực sớm. Xu hướng liên kết, hợp tác trong nước phát triển các dự án bất động sản được đẩy mạnh. Các "ông lớn" bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh bắt đầu gia nhập thị trường M&A, với việc "chạy đua" lên kế hoạch M&A các quỹ đất pháp lý sạch, trong đó có xu hướng phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản thương mại, văn phòng.