Dòng tiền “rẽ hướng”, nơi nào sẽ trở thành “điểm nóng” trong những tháng cuối năm?
Theo các chuyên gia trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn cung vẫn còn khan hiếm, phân khúc căn hộ vẫn sẽ tiếp tục “chiếm ưu thế”, song dòng tiền đang có dấu hiệu “rẽ hướng” tìm đến những khu vực mới, phân khúc mới nhằm tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.
Dòng tiền dịch chuyển
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, quý II, nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới. Cũng trong quý II, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công.
Lượng giao dịch tăng mạnh do chất lượng nguồn cung và nhu cầu cầu được cải thiện. Theo đó, nguồn cung chủ yếu là các dự án căn hộ. Nhu cầu, bao gồm cả nhu cầu đầu tư ước tính tăng khoảng 30% so với quý trước và nhu cầu ở thực, đều được củng cố khi niềm tin thị trường phục hồi đáng kể, lãi suất đang duy trì ổn định ở mức thấp, mặt bằng giá sơ cấp khó giảm sâu, các chủ đầu tư đang mạnh tay triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Tới thời điểm hiện tại, căn hộ chung cư vẫn đang là phân khúc chủ đạo, dẫn dắt thanh khoản thị trường. Cụ thể, hơn 70% nguồn cung và 75% lượng giao dịch của thị trường bất động sản sơ cấp trong quý II được đóng góp bởi phân khúc căn hộ. Các dự án căn hộ mới mở bán, với phần lớn là các dự án có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, tập trung tại Hà Nội, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ rất tốt, lên tới 90% sau một thời gian ngắn chính thức mở bán. Mặc dù mức giá sơ cấp trung bình vẫn liên tục tăng.
Theo VARS, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn cung vẫn còn khan hiếm, phân khúc căn hộ vẫn sẽ tiếp tục là lựa chọn hấp dẫn, ít rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi những biến động của giai đoạn trước là bài học để lớp nhà đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư “lão làng” đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn trong việc mua nhà để đầu tư, đặc biệt khi sử dụng đòn bẩy tài chính.
Do đó, VARS cho rằng, trên cơ sở cân nhắc kỹ những yếu tố vĩ mô, dòng tiền sẽ dần “rẽ" hướng sang các loại hình khác, đáp ứng các yếu tố:
Thứ nhất là vị trí, yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư bất động sản. Vì đây là yếu tố quyết định giá trị và tiềm năng tăng giá của bất động sản. Đó là các sản phẩm gần trung tâm, tại các địa phương có tăng trưởng kinh tế tốt, phát triển gắn liền với các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đã có hạ tầng giao thông thuận lợi, gần các tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, và khu vui chơi giải trí.
Thứ hai là tiềm năng phát triển. Các bất động sản ở khu vực có chủ trương phát triển và quy hoạch hiệu quả, có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị sẽ có tiềm năng tăng giá rõ ràng. Nhưng cũng cần tìm hiểu kỹ về kế hoạch phát triển của khu vực đó trong tương lai.
Thứ ba là các sản phẩm có pháp lý sạch, đã có sổ đỏ/sổ hồng hoặc các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Hoặc được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, có hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, hiện đại hay các sản phẩm có hệ sinh thái dịch vụ cao cấp, có mục tiêu hướng tới cộng đồng dân cư tinh hoa.
VARS cho rằng, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ cần thời gian để “thẩm thấu" hoàn toàn nội dung của các bộ Luật. Các dự án bất động sản cần thời gian để tháo gỡ các vướng mắc bởi việc các bộ Luật có hiệu lực thực thi sớm chỉ góp phần đẩy nhanh chứ không gỡ được ngay vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đồng thời, các dự án cũng cần hoàn thiện thủ tục, khởi động, triển khai trở lại trước khi đưa nguồn cung mới vào thị trường.
“Điểm nóng” trong những tháng cuối năm?
Thực tế, hiện tại thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang duy trì, chờ đợi những nút thắt được tháo gỡ để thực sự khỏe trở lại. Đặc biệt từ ngày 1/8 tới đây, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực sớm hơn năm tháng so với quyết định trước đó. Khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu rục rịch chuyển động, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VARS cũng lưu ý nguy cơ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và liên kết được đầy đủ với các điều luật và/hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường. Các bộ luật mới chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là bộ lọc loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.
Với việc quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm khiến, giá chung cư ngày càng tăng cao khiến dòng tiền của nhà đầu tư cũng có xu hướng dịch chuyển sang khu vực vùng ven, đặc biệt là tại những khu vực đang có thông tin quy hoạch đồng bộ.
Dữ liệu mới đây của Batdongsan.com.vn cũng cho biết mức độ quan tâm của người tìm kiếm đất nền đã phục hồi 60% so với quý I/2021 và đang tăng 33% so với quý I/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
Một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên có mức độ quan tâm đất nền tăng đến 194%. Hà Nội cũng chứng kiến lượng quan tâm đất nền tăng 75%. Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng mạnh ở khu vực vùng ven Hà Nội nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng khoảng 48 - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng 4 - 24% so với nửa cuối năm 2023.
Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Phát triển Bất động sản SGO Homes cũng thông tin, từ tháng 4 đến nay, không chỉ ở Hà Nội, nhiều khu vực như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương..., giá đất cũng tăng từ 10%-20% so với thời kỳ đáy, giao dịch thực tế cũng cải thiện hơn nhiều so với năm 2023.
“Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quá trình đi săn đất tại vùng ven thành phố lớn, những địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Những khu vực này có lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, nhất là những lô đã tách thửa
Hiện lãi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang duy trì ở mức thấp, nhiều người dân bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận tốt hơn, trong đó có bất động sản.
Đáng chú ý, sản phẩm đất nền 2-4 tỷ đồng ở vùng ven đang được nhà đầu tư quan tâm trở lại bởi giá trị đầu tư trung bình thấp nhưng có tiềm năng sinh lời lớn”, ông Chung nói.
Tuy nhiên, ông Chung nhìn nhận đầu tư đất nền thời điểm này cần xác định thu hồi vốn trung hạn ít nhất từ 1-3 năm, thay vì lướt sóng. Đồng thời, các nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ", mua gom, mua số lượng lớn mà nên lựa chọn dự án có tính pháp lý, sản phẩm có giá hời hoặc địa điểm có đủ tiện ích.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá đất nền ở một số khu vực ngoại thành Hà Nội đã tăng khoảng 10% trong một năm nay. "Đất nền tiềm năng nhưng không có nghĩa là mua đâu cũng thắng mà tùy từng khu vực, từng thời điểm. Giai đoạn tới, người đầu tư cần khó tính hơn, trước khi xuống tiền phải dựa trên dữ liệu, phân tích thông tin quy hoạch chính xác. Bởi, trong quá khứ đã có không ít nhà đầu tư "đu đỉnh" đất nền méo mặt bởi mua rồi nhưng khó bán hoặc phải cắt lỗ nếu cần tiền gấp. Đất nền tăng nhưng theo khảo sát vẫn còn một số khu vực rất trầm lắng, giao dịch giảm".