40 doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng
Đã có 40 doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ gói tín dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động mất việc
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho thấy, tính đến ngày 17/11, đã có 16 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đầu tiên được phân bổ vốn theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). Qua đó, các chi nhánh này tổ chức ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay trả lương ngừng việc cho 40 doanh nghiệp có 1.195 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố khác trong hệ thống vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ và lên kế hoạch giải ngân.
Khách hàng được phê duyệt cho vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau như: có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1-/4 đến hết ngày 31/12; có doanh thu quí 1 giảm 20% trở lên so với quí 4/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Lãnh đạo NHCSXH cho biết, khách hàng đủ điều kiện vay vốn sẽ được vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng. Số người lao động bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12. Các khoản vay này có lãi suất 0%, thời hạn 12 tháng, lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.
Gói 16.000 tỷ đồng này được triển khai từ tháng 4 khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, chỉ có một doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, thế nhưng doanh nghiệp này đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động mà không vay gói này. Như vậy, gói tín dụng này vẫn chưa được giải ngân cho doanh nghiệp nào ở thời điểm cuối tháng 9.
Trước thực tế như vậy, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang sửa đổi điều kiện tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương. Theo đó, Bộ đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay. Như vậy kể từ thời điểm đề xuất điều chỉnh các tiêu chuẩn cho vay (cuối tháng 9) đến nay đã có 40 doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ gói tín dụng này.
Tình trạng có gói hỗ trợ nhưng không tiếp cận được cũng từng xảy ra từ lần bùng phát Covid-19 đầu tiên, khi đó, đã có nhiều gói hỗ trợ tiếp sức cho nền kinh tế như gói hỗ trợ về tài khóa với các biện pháp giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất có quy mô 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ 250.000 tỷ đồng và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.
Trong đó, với gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội đến nay mới giải ngân được hơn 17.000 tỷ đồng.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, mới có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid–19.