54% doanh nghiệp du lịch bị động, chưa biết phải đóng cửa bao lâu
Theo kết quả khảo sát hơn 1.800 doanh nghiệp (DN) ngành du lịch trên toàn quốc trong tháng 8/2021, 96% số DN phải ngừng, tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, hơn một nửa số DN bị động, không dự tính được thời gian phải đóng cửa bao lâu.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 12 đến 22/8/2021 theo hình thức trực tuyến trên trang điện tử của VnExpress. Các DN tham gia khảo sát gồm các loại hình với quy mô lao động và doanh thu khác nhau, phần lớn các DN này tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chỉ 4% doanh nghiệp trong ngành du lịch duy trì hoạt động
Theo kết quả khảo sát, 96% số DN du lịch phải ngừng/tạm ngừng hoạt động. Chỉ có khoảng 4% DN tham gia khảo sát trong cùng ngành duy trì được hoạt động vì trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, chính quyền tại nhiều tỉnh, thành thực hiện phong tỏa giãn cách/cách ly, các khách sạn, nhà hàng phải tạm ngừng hoạt động và tiếp tục rơi vào tình trạng "đóng băng", không có khách, ngay cả các hộ kinh doanh ăn uống cũng không được phép hoạt động hoặc chỉ ở mức độ rất cầm chừng.
So sánh với kết quả khảo sát chung, tỷ lệ DN ngành du lịch duy trì được hoạt động chỉ bằng 1/4 tỷ lệ trung bình của các DN duy trì được hoạt động thuộc tất cả các ngành kinh tế (16%).
Cuộc khảo sát diễn ra vào tháng 8/2021 - thời điểm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đang thực hiện việc giãn cách/cách ly theo Chỉ thị 15. Do đó, tỷ lệ DN ngành du lịch tạm ngừng hoạt động là gần 70%, tương ứng với các tỷ lê tạm ngừng hoạt động của các ngành khác. Nhưng tỷ lệ DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể chiếm tỷ lệ rất cao ở 2 TP này và cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình của DN giải thể hoặc chờ giải thể thuộc tất cả các ngành (15%).
Điều này cho thấy nhiều DN ngành du lịch tham gia khảo sát dù lớn hay nhỏ tại 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí MInh đã cầm cự được qua 3 đợt dịch bùng phát nhưng đến đợt thứ 4 là không còn khả năng cầm cự.
Doanh nghiệp trong ngành du lịch khá bị động
Theo khảo sát, 54% DN du lịch cho biết không dự tính được thời gian phải đóng cửa bao lâu. 19% số DN du lịch nói rằng đóng cửa từ 1 - 3 tháng, 15% DN cho biết đóng cửa từ 3 - 6 tháng.
Số liệu này cho thấy DN khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch kinh doanh dù trong ngắn hạn.
Về dòng tiền của DN có thể duy trì hoạt động, so với DN ngành du lịch và cùng tình trạng hoạt động, DN đang "duy trì hoạt động kinh doanh" có dòng tiền duy trì hoạt động "ít hơn 1 tháng" chiếm tỷ lệ này khá cao, 22,4%. DN "tạm ngừng hoạt động do dịch" chiếm tỷ lệ rất cao, gần 47%.
Số liệu về dòng tiền của các DN du lịch cho thấy, ngay cả khi được hoạt động có thể phục hồi thì rất cần sự hỗ trợ nguồn lực tài chính từ bên ngoài và cần có cầu của thị trường cao để tránh nguy cơ giải thể.
Để giải quyết khó khăn về dòng tiền, đại đa số DN đều chủ động chọn giải pháp "giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại mô hình kinh doanh. Cụ thể, 64% DN tạm ngừng hoạt động do dịch chọn phương án cắt giảm chi phí hoạt động. Trong khi đó tỷ lệ này với DN duy trì kinh doanh là 67%.
Trong khi đó, các hình thức vay từ ngân hàng thương mại, các tổ chức vĩ mô hoặc cá nhân hay vay được gói hỗ trợ của Nhà nước chiếm tỷ lệ từ 16 đến 27%.
Về doanh thu, dịch bùng phát lần thứ 4 đã khiến gần 85% DN nhóm "tạm ngừng hoạt động kinh doanh bị giảm hơn 50% doanh thu so với năm 2020. Trong khi đó, nhóm "đang duy trì hoạt động" cũng có tới 67% bị giảm trên 50% doanh thu.
Khó khăn lớn nhất nhiều DN du lịch của cả 2 nhóm duy trì và tạm ngừng hoạt động do dịch gặp phải là trả tiền lương cho người lao động (NLĐ). Các chi phí trả tiền lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất, văn phòng, trả tiền điện, nước, đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoan thuộc top 5 gánh nặng về tài chính đối với DN trong bối cảnh hiện nay.
Đối với chính sách áp dụng đối với NLĐ tại các DN "tạm ngừng hoạt động" và DN "duy trì sản xuất kinh doanh", khảo sát cho thấy, với nhóm DN du lịch tạm ngừng hoạt động, chính sách mà các DN áp dụng nhiều nhất là "giảm 75% đến dưới 100% lao động".
Trong khi đó, đối với nhóm DN đang cố gắng duy trì hoạt động, chính sách đối với người lao động được áp dụng phổ biến nhất là "không giảm lao động nhưng giảm giờ làm và giảm lương".
Những chính sách kỳ vọng
Về chính sách của Nhà nước, DN cả hai nhóm đều kỳ vọng chính sách hỗ trợ "giảm chi phí điện, nước" với tỷ lệ lựa chọn tương ứng là 66% và 68%.
Chính sách hỗ trợ hiệu quả được nhiều DN lựa chọn thứ hai là hỗ trợ DN vay để trả lương. Ngành du lịch bị ảnh hưởng không chỉ đợt dịch lần thứ 4 mà đã bị ảnh hưởng kéo dài từ đợt dịch lần thứ 1 năm 2020. Các DN đã cố gắng duy trì nhiều nhất lao động có thể trong khi nguồn thu không có. Khả năng phục hồi của DN ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn nếu mất nguồn lao động hiện tại do không có doanh thu để trả lương hoặc nếu phải đào tạo lại những lao động tuyển mới.
Ngoài ra, trong top 5 chính sách hỗ trợ được các DN cho là chính sách hỗ trợ có hiệu quả là chính sách giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế VAT, hoãn nộp các khoản thuế từ 12 đến 18 tháng.