6 giải pháp phát triển công trình xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng cần triển khai thực hiện 6 giải pháp.
(KDPT) - Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng cần triển khai thực hiện 6 giải pháp.
Tại Hội thảo Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình diễn ra ngày 22/11, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, các nước trên thế giới và Việt Nam đang có cùng xu hướng tập trung chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Có nhiều định nghĩa, khái niệm về chuyển đổi xanh. Theo định nghĩa chung, chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại và năng suất lao động cao, nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) trình bày tham luận tại Hội thảo Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình. (Ảnh: CafeF) |
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã thể hiện rõ chủ trương phát triển nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Trong dòng chảy và xu hướng chung đó, các lĩnh vực của ngành Xây dựng cũng phải chuyển đổi theo hướng xanh để cùng đất nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đạt trung hòa các bon vào năm 2050 theo như cam kết.
Hiện trạng phát triển công trình xanh
Cũng theo ông Nguyễn Công Thịnh, ngành xây dựng là ngành kinh tế có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Theo báo cáo, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản vào GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. Mặc dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực xây dựng và bất động sản có chậm lại trong năm 2022 và đầu năm 2023 nhưng xây dựng và bất động sản vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của nền kinh tế. Về tỷ lệ đô thị hóa, đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021 và cả nước hiện đã có khoảng 890 đô thị.
“Quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và phát triển đô thị làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng của xã hội. Cùng với các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, chúng ta cũng đang gặp phải những rào cản, những áp lực và mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng”, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định.
Theo tài liệu nghiên cứu, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải các bon, trong đó lượng các bon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ các bon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình. Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.
Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Theo giải thích từ ngữ tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng, công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam đó là Lotus (của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam), Edge (của Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC-WB), LEED (của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ) và Greenmark (của Singapore).
Theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông.
Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng: “Hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa phát triển và bảo tồn, giữa nâng cao mức sống, thu nhập của người dân và đảm bảo công bằng, an sinh xã hội là việc làm không đơn giản. Mỗi lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội đều có vai trò đóng góp để thực hiện các mục tiêu đó. Lĩnh vực xây dựng công trình có liên quan chặt chẽ với nhiều khâu và nếu công trình được thiết kế, xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh thì sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị cũng như nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh”.
Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng. (Ảnh minh họa) |
Trong giai đoạn quy hoạch, thiết kế dự án: Việc áp dụng các tiêu chuẩn, giải pháp về xanh được đưa vào giai đoạn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của dự án như thi công xây dựng, vận hành và khi đó khái toán kinh phí cho các giải pháp xanh cũng đã được đặt ra từ ban đầu nên sẽ tránh gặp phải vấn đề lớn do tăng chi phí cho các giải pháp xanh của dự án.
Trong giai đoạn lựa chọn vật liệu, trang thiết bị và tổ chức thi công xây dựng công trình: Khi các loại vật liệu đáp ứng các tiêu chuẩn công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát thải thấp được lựa chọn, sử dụng trong quá trình thi công xây dựng công trình sẽ thúc đẩy sự phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các trang thiết bị trong công trình, tăng lượng cầu, tạo động lực để phát triển sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Mặt khác, các sản phẩm, trang thiết bị, vật liệu xây dựng đáp ứng các tiêu chí xanh khi được dán nhãn, chứng nhận xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp cũng sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chứng nhận xuất xứ, trách nhiệm môi trường và mức độ phát thải của sản phẩm.
Trong giai đoạn sử dụng, vận hành công trình: Quá trình quản lý, sử dụng vận hành các công trình xanh cũng đòi hỏi người quản lý, sử dụng công trình cần có nhận thức, kỹ năng quản lý, vận hành, sử dụng các trang thiết bị, các tiện ích của công trình và cũng sẽ có ý thức hơn đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, thay đổi hành vi để sống xanh hơn.
Trong Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 15 sửa đổi Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị cũng đã đưa chỉ tiêu về số công trình xanh trong việc đánh giá, phân loại đô thị. Đốu với các đô thị, các tỉnh, thành phố, khi có được nhiều các dự án công trình xanh, khu đô thị xanh cũng sẽ làm tăng mức độ xanh của đô thị, của tỉnh, thành phố và góp phần làm giảm mức phát thải, tăng chỉ số bảo vệ môi trường của đô thị, của địa phương và tăng số điểm khi đánh giá, phân loại đô thị.
6 số giải pháp phát triển công trình xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng
“Trên phương diện toàn cầu và ở Việt Nam đều cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của công trình xanh và trong thời gian tới là công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không”, ông Nguyễn Công Thịnh nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng đề xuất triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: Cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa các bon…
Thứ hai, về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật: Hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, công trình xanh, phát thải thấp, trung hòa các bon.
Thứ ba, thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng tuyên bố môi trường cho sản phẩm (Environmental Product Declaration - EPD) có liên quan đến lĩnh vực xây dựng như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các trang thiết bị, sản phẩm sử dụng trong công trình ở trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm, thiết bị, vật liệu có EPD sẽ thuận lợi hơn cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng và người sử dụng khi lựa chọn đưa vào dự án đầu tư công trình cũng như minh bạch và lượng hóa trong tính toán phát thải và tác động môi trường của sản phẩm, thiết bị, vật liệu. EPD cũng là điều kiện để hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu có chứng nhận dấu chân các bon như thị trường các nước EU…
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh…
Thứ sáu, đẩy mạnh việc tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới, trung hòa các bon cả ở phía các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, trang thiết bị, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công xây dựng và đối tượng quản lý, sử dụng công trình. Đưa các kiến thức chuyên môn về xanh vào đào tạo, giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề lĩnh vực xây dựng để giảng dạy cho sinh viên, học viên./.