6 văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp chính thức có hiệu lực năm 2021

Bộ luật Lao động 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Chứng khoán 2019 cùng với 2 nghị định quan trọng khác là 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp chính thức có hiệu lực năm 2021.

Theo Pháp lý khởi nghiệp, việc tổng hợp 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp chính thức có hiệu lực năm 2021 sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt những thay đổi của pháp luật trong năm mới này.

Cụ thể như sau:

1. Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, đã ban hành thêm nhiều điểm mới, đơn cử một vài quy định như: Chỉ còn 02 loại Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng chính thức bị bãi bỏ.

Không được sử dụng phụ lục hợp đồng lao động để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động; Người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do chỉ cần đảm bảo thời hạn báo trước theo quy định; Trong một số trường hợp, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước...

2. Luật Doanh nghiệp 2020

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật Doanh nghiệp 2020 có một số thay đổi nổi bật như: Thay đổi khái niệm Doanh nghiệp nhà nước; Bổ sung thêm đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp; Thay đổi quy định về dấu của doanh nghiệp và bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu; Bãi bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp...

3. Luật Đầu tư 2020

6 văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp chính thức có hiệu lực năm 2021 - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Luật Đầu tư 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật này đã thay đổi nhiều quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, một số thay đổi nổi bật có thể nhắc đến như: Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ 243 giảm còn 227; Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tăng số lượng ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh lên 8; Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; Bổ sung thêm quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt...

4. Luật Chứng khoán 2019

Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, một số điểm mới mà doanh nghiệp có dự định chào bán chứng khoán ra công chúng cần phải biết, đơn cử như: Thay đổi điều kiện chào bán chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) ra công chúng; Bổ sung thêm quy định về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng; Phải đưa cổ phiếu, trái phiếu lên sàn khi kết thúc đợt chào bán; Bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán...

5. Nghị định 135/2020/NĐ-CP

Nghị định 135/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, quy định về tuổi nghỉ hưu, hướng dẫn chi tiết Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

6. Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, đơn cử một số điểm đáng chú ý của Nghị định như sau: Quy định chi tiết thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với một số ngành, nghề, công việc đặc thù; Quy định mới về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lao động nữ không có nhu cầu nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh thì được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm;

PV

Theo Doanh nghiệp Việt Nam