7 quận trung tâm TP.HCM sẽ hạn chế xây cao ốc
Nhằm ưu tiên tăng các chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, các dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ở kênh rạch, trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM sẽ hạn chế xây mới dự án cao tầng tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 11 và Phú Nhuận.
Ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký phê duyệt Đề án Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu quan trọng của đề án này là TP.HCM sẽ hạn chế xây dựng các tòa cao ốc ở 7 quận nội thành.
Cụ thể, khu vực trung tâm (quận 1 và 3) và 5 quận nội thành hiện hữu có dân số giảm trong 10 năm gần đây (4, 5, 6, 11, Phú Nhuận) ưu tiên tăng các chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975; các dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ở kênh rạch. Thành phố sẽ hạn chế xây mới dự án cao tầng tại 7 quận này nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội tương ứng.
Sẽ hạn chế xây cao ốc ở 7 quận trung tâm TP.HCM.
Đối với khu vực 6 quận nội thành phát triển (bao gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, Thủ Đức, quận 9) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; phát triển các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Riêng đối với khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (bao gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và Bình Thạnh), sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng…
Cũng theo Đề án, dự kiến vốn để phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM trong 5 năm tới là gần 420.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư nhà ở thương mại là hơn 219.000 tỷ đồng, vốn nhà ở xã hội là 15.700 tỷ đồng, còn lại là vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình.
Đến năm 2025, tổng diện tích sàn nhà ở của TP.HCM đạt được 237,3 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,5 m2/người (quy mô dân số dự kiến vào cuối năm 2025 là 10,1 triệu người).
Đến năm 2030, tổng diện tích sàn nhà ở đạt được 295 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 26,5 m2/người (quy mô dân số dự kiến vào cuối năm 2030 là 11,1 triệu người). Cụ thể, nhà ở xã hội, dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn; nhà ở thương mại dự kiến phát triển 45,2 triệu m2 sàn và nhà ở riêng lẻ do dân tự xây là 59,2 triệu m2 sàn.