Ai đang 'ôm' đất ở khu đô thị đắt nhất Hà Nội?

Tại khu đô thị Tây Hồ Tây, chủ đầu tư Hàn Quốc tập trung triển khai các dự án nhà ở và khách sạn, trong khi đó loạt doanh nghiệp khác muốn đầu tư các tòa nhà văn phòng, TTTM...

Ai đang 'ôm' đất ở khu đô thị đắt nhất Hà Nội? - Ảnh 1
Theo bảng giá đất mới điều chỉnh của Hà Nội, nhiều lô đất tại KĐT Tây Hồ Tây có giá trên 100 triệu đồng/m2. Ảnh: Thành Đông.

Theo bảng giá đất điều chỉnh của TP Hà Nội, Tây Hồ Tây hiện là khu đô thị có giá đất cao nhất tại Thủ đô.

Cụ thể, đất ở vị trí 1 nằm trên mặt cắt đường 60 m tại khu đô thị Tây Hồ Tây (đoạn thuộc địa phận quận Tây Hồ) có giá hơn 113 triệu đồng/m2. Mức này đã tăng 225% so với bảng giá đất ban hành năm 2019 (34,8 triệu đồng/m2).

Cũng thuộc khu đô thị này, vị trí 1 trên các trục đường còn lại dao động từ hơn 59 triệu/m2 đến hơn 109 triệu đồng/m2.

Mức giá này cao hơn nhiều khu đô thị khác tại Hà Nội, chẳng hạn Nam Trung Yên (thuộc quận Cầu Giấy, cao nhất hơn 109 triệu đồng/m2), Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, cao nhất gần 108 triệu đồng/m2), Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm, cao nhất hơn 104 triệu đồng/m2), Mỹ Đình - Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, gần 101 triệu đồng/m2)...

Bảng giá đất 113 triệu/m2, thực tế 500 triệu đồng

Khu đô thị Tây Hồ Tây rộng 186 ha, được duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lần đầu vào năm 2007, sau đó được điểu chỉnh tổng thể vào năm 2013. Khu đô thị này nằm trên địa phận 3 quận gồm Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Tây Hồ. Công ty TNHH Phát triển THT là chủ đầu tư dự án, đứng sau doanh nghiệp này là Tập đoàn Hàn Quốc Daewoo E&C.

Tiến độ thực hiện khu đô thị Tây Hồ Tây được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 được chủ đầu tư triển khai từ năm 2010 đến năm 2019, tổng diện tích thực hiện gần 115 ha. Giai đoạn 2 được triển khai trong vòng 5 năm, từ 2020 đến 2025 với phần diện tích 71,5 ha còn lại.

Tại đây, THT xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đô thị và phát triển nhiều dự án thấp tầng lẫn cao tầng. Các dự án nhà ở do THT đầu tư đều thuộc phân khúc cao cấp, giá bán thuộc top đầu thị trường Hà Nội.

Chẳng hạn dự án chung cư Starlake giai đoạn 1 hiện có giá chuyển nhượng 120 triệu đồng/m2, còn shophouse, biệt thự tại đây giá dao động 350-500 triệu đồng/m2.

Ai đang 'ôm' đất ở khu đô thị đắt nhất Hà Nội? - Ảnh 2
Đầu tháng 10, Daewoo E&C động thổ dự án Khu phức hợp thương mại văn phòng và nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1, KĐT Tây Hồ Tây. Ảnh: Việt Linh.

Năm 2023, Daewoo E&C khởi công dự án khách sạn Shilla Hotel 5 sao trên lô đất B3-CC1 rộng hơn 1 ha. Ước tính tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.

Mới đây, chủ đầu tư Hàn Quốc tiếp tục khởi công Khu phức hợp thương mại văn phòng và nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1. Khu đất xây dựng nằm tiếp giáp với tuyến đường rộng 40 m nối từ đường Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công. Giá bán dự kiến không thấp hơn chung cư Starlake giai đoạn 1.

Ngoài việc tự phát triển các sản phẩm bất động sản, chủ đầu tư này cũng chuyển nhượng nhiều lô đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Do đó, khu đô thị Tây Hồ Tây hiện có hàng chục doanh nghiệp cùng hiện diện, dự kiến triển khai nhiều loại hình bất động sản gồm văn phòng, khách sạn, đại siêu thị...

Tuy nhiên, điểm chung của các chủ đầu tư tại khu đô thị này là tất cả đều hướng đến phân khúc cao cấp.

Nhiều đại gia Việt, Nhật, Hàn cùng hiện diện

Mới đây nhất, HĐQT CTCP Công nghệ - Viễn thông Elcom cho biết sẽ liên danh với CTCP Đầu tư và Phát triển MBH để nhận chuyển nhượng lô đất hơn 7.500 m2 tại Khu đô thị Tây Hồ Tây từ THT. Giá trị chuyển nhượng tối đa là 215 tỷ đồng. Phía Elcom cho biết sẽ đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành một khu tổ hợp văn phòng, dịch vụ, trung tâm thương mại, văn hóa trên khu đất này.

Còn hồi tháng 11, CTCP Đầu tư Catgo đã khởi công dự án Tòa nhà văn phòng Catgo tại khu đô thị Tây Hồ Tây sau nhiều năm mua lại lô đất rộng gần 4.000 m2 của THT.

Đầu năm nay, 2 doanh nghiệp gồm CTCP đầu tư quốc tế Đông Thành (OSI Holdings) và CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Nam Tiến đã hợp tác để phát triển dự án tòa nhà văn phòng Oriental Square với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Lô đất xây dự án nằm cạnh quảng trường trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, rộng gần 4.000 m2.

Samsung đã sớm hiện diện ở khu đô thị Tây Hồ Tây với Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D. Ảnh chụp tháng 6/2023: Thành Đông.
Samsung đã sớm hiện diện ở khu đô thị Tây Hồ Tây với Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D. Ảnh chụp tháng 6/2023: Thành Đông.

Công ty Đại Quang Minh của Tập đoàn Thaco cũng từng mua một lô đất rộng 2,4 ha tại khu đô thị này từ THT, giá trị giao dịch không được hai bên công bố. Với thương vụ này, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương dự kiến dùng để xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm Emart tại khu đô thị đắt nhất Hà Nội.

Năm 2023, THT cũng đã chuyển nhượng lô đất B2-CC3, rộng 1,13 ha cho CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC để triển khai dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC Creative Space Hanoi với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.789 tỷ đồng.

Giai đoạn trước đó, lô đất H4-HH1 diện tích 1,8 ha được THT chuyển nhượng cho Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific). Theo quy hoạch, chủ lô đất này sẽ xây tổ hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp. Giữa tháng 11 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã bổ sung dự án này vào danh mục dự án sử dụng đất năm nay của quận Bắc Từ Liêm.

Bên cạnh đó, THT cũng chuyển nhượng một lô đất khác là B2-CC4, rộng 1,13 ha cho CTCP Đầu tư TA. Theo quy hoạch, lô đất này sẽ được dùng để xây tổ hợp văn phòng hạng A.

Và mới đây, Indochina Kajima, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản), đã khởi công dự án tòa nhà văn phòng hạng A Parc Hà Nội tại khu đất này.

Cũng là doanh nghiệp Nhật Bản, Toshin Development đang "ôm" lô đất 1,7 ha tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, dự kiến phát triển một trung tâm thương mại, văn hóa đậm chất Nhật Bản.

Ngoài các đại gia Việt Nam và Nhật Bản kể trên, Khu đô thị Tây Hồ Tây còn thu hút sự quan tâm của nhiều "ông lớn" Hàn Quốc.

Đầu tiên phải kể đến Samsung với dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D lớn nhất Đông Nam Á, thực hiện trên khu đất rộng gần 1,2 ha. Samsung đã "rót" 220 triệu USD vào dự án này và hoàn thành vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, tập đoàn đa ngành CJ đang sở hữu 2 lô đất khu vực này với tổng diện tích khoảng 1,7 ha, dự kiến dùng để xây dựng trung tâm thương mại.

Một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là S&D cũng đã nhận chuyển nhượng lô đất hơn 2 ha để xây dựng khách sạn The Heaven cao 164 m với 40 tầng. Tổng vốn đầu tư được giới thiệu là 280 triệu USD.

Hay SNS International cũng dự kiến phát triển một tổ hợp thời trang và mua sắm K-Fasshion mang phong cách Hàn Quốc trên lô đất D1-CC3 rộng hơn 5.000 m2 tại khu đô thị đắt giá nhất Hà Nội này.

Thủy Tiên

Theo VietnamFinance