Đánh thuế bất động sản: Vẫn còn nhiều “băn khoăn”, liệu có làm tăng giá nhà?

Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đều tán thành giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc đánh thuế bất động sản có thể giảm thiểu đầu cơ nhưng sẽ làm giá nhà tăng lên.

Đánh thuế bất động sản: Vẫn còn nhiều “băn khoăn”, liệu có làm tăng giá nhà? - Ảnh 1

Đầu cơ, lướt sóng sẽ phải chịu thuế cao

Vừa qua, Bộ Tài Chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành của nước ta không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ nhà đất, trong đó có áp thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, tại một số quốc gia đang đánh thuế cao đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua qua, bán lại. Nếu thời gian giao dịch diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, ngược lại diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Điển hình như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%, sau 3 năm là 25%.

Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%, thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

Từ thực tế trên, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh đúng thực tế. "Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin", Bộ Tài chính nêu.

Sau những tranh cãi trái chiều về đánh thuế bất động sản thứ 2, cơ quan quản lý tiếp tục đưa ra thêm một giải pháp liên quan đến chính sách thuế nhằm chặn đầu cơ, thao túng thị trường.

Câu hỏi đặt ra là liệu giới đầu cơ có lo ngại nếu đề xuất của Bộ Tài chính thành hiện thực? Câu trả lời của không ít chuyên gia và cả những người trong cuộc là các nhà đầu tư, thì để tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân, đánh thuế chưa hẳn là giải pháp tối ưu.

Nhiều ý kiến trái chiều

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, từng cho biết nhìn ở góc độ vĩ mô, thuế là một giải pháp tốt, giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước và góp phần điều chỉnh thị trường trong ngắn hạn, nhưng không duy trì được tác động trong dài hạn. Đặc biệt, công cụ thuế sẽ không phát huy được hết tác dụng nếu nguồn cung trên thị trường tiếp tục khan hiếm.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình muốn hạ nhiệt đầu cơ nhà thì quan trọng nhất là phải tăng nguồn cung, giãn dân ở những đô thị đông đúc. Muốn làm được điều này thì phải đầu tư hạ tầng nhanh hơn, nhiều hơn để người dân có thể di chuyển nhanh hơn từ vùng ven vào trung tâm.

Cần nhắc lại, có một thực tế dễ thấy trên thị trường bất động sản thời gian qua là khi giá nhà đất tăng, tiền vẫn chủ yếu chảy vào túi giới đầu cơ thay vì ngân sách nhà nước.

Do đó, đánh thuế có thể là một công cụ hữu hiệu để "nắn" lại thị trường địa ốc lành mạnh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sắc thuế mới có giúp bình ổn thị trường, giảm giá nhà hay không vẫn là một “bài toán” vô cùng khó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tính kỹ lưỡng để đưa ra đáp án đúng.

Đánh giá về việc áp dụng thuế bất động sản này, bà Cao Thị Thanh Hương, quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills cho biết, thuế bất động sản là công công cụ tài chính thường xuyên được thảo luận trong khung pháp lý của các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Bà dẫn ra trường hợp một hộ gia đình thu nhập trung bình, dù có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mỗi tháng, cũng cần hơn 30 năm để mua một căn nhà (với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng).

"Giá nhà tăng liên tiếp sẽ làm nghiêm trọng tình trạng bất bình đẳng xã hội, tiềm ẩn mầm mống bất ổn an sinh về lâu dài", bà Hương nhìn nhận.

Theo bà Hương, các chủ sở hữu bất động sản ở Việt Nam hiện nay không phải chi trả thuế tài sản trong khi khung thuế, phí chuyển nhượng cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Chuyên gia cho rằng, việc cân nhắc áp dụng các biện pháp bình ổn, điều tiết thị trường như đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ là giải pháp hạ nhiệt giá nhà. So với các sắc thuế chủ lực khác như thuế doanh nghiệp, thuế bất động sản không cần cạnh tranh hay bị giới hạn bởi các hiệp định quốc tế.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống