Áp lực trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản
Tính đến cuối tháng 5/2023 các chủ đầu tư bất động sản đã vay gần 926.000 tỷ đồng tín dụng. Trong khi đó, trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp địa ốc đã huy động 30.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Chủ đầu tư bất động sản vay thêm 120.000 tỷ đồng từ tín dụng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2023, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).
Đáng chú ý, về cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, điều này cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Trong khi đó, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2023 lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, như vậy, hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp, bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
“Về cơ cấu thời hạn trả nợ, đến nay đã thực hiện cơ cấu cho vay cho 2.800 khách hàng và hiện các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai”, bà Hồng thông tin.
Dẫn lại số liệu của NHNN cho biết, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (cho vay chủ đầu tư) đạt 925.796 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 252.792 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê là 137.375 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn là 66.184 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 63.176 tỷ đồng.
Còn dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 53.564 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 45.169 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê là 37.535 tỷ đồng. Còn lại là dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác (270.000 tỷ đồng).
Như vậy, có thể thấy nếu so với con số hơn 803.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 thì các chủ đầu tư địa ốc đã vay thêm hơn 120.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm.
Gần 28.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 8 này
Trong khi dư nợ tín dụng của doanh nghiệp địa ốc tăng mạnh thì với trái phiếu doanh nghiệp lại có sự giảm đáng kể khi phát hành mới không nhiều và các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu.
Mặc dù vậy, áp lực lại đến từ lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 8 này.
Cụ thể, theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu quý III/2023, VnDirect cho biết, sau khi bất ngờ tăng mạnh trong tháng 6/2023, hoạt động phát hành và hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã giảm trở lại trong tháng 7/2023, trong khi hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực.
Tính từ đầu tháng 7 cho đến ngày 26/07/23 có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với tổng giá phát hành đạt 4.320 tỷ đồng, giảm 84,7% so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 61.652 tỷ đồng giảm 69,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, VnDirect cho biết, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 8/2023. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 27.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, cao hơn khoảng 31% so với tháng 7 vừa qua.
Tính đến ngày 26/07/2023 có khoảng 65 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 172,62 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Đáng chú ý, phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.