Bà Rịa - Vũng Tàu giải 'cơn khát' nhà ở vừa túi tiền
Dù nhiều địa phương đã có tín hiệu tích cực đầu năm 2024, tuy nhiên thị trường bất động sản tại Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn chuyển động chậm. Một trong những giải pháp thúc đẩy thị trường được tỉnh đưa ra là tăng nguồn cung nhà ở xã hội và căn hộ thương mại vừa túi tiền.
Tăng cung nhà ở xã hội
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây thông báo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 sẽ triển khai 17 dự án NƠXH với quy mô 54,3ha, tổng số 12.798 căn hộ. Tổng mức đầu tư dự kiến là 10.439 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động ngoài ngân sách ước tính 10.214 tỷ đồng
Trong kế hoạch nêu trên, có 12 dự án với 9.451 căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp; 3 dự án với 3.034 căn cho công nhân khu công nghiệp; 313 căn trong quỹ đất 20% NƠXH của 2 dự án.
Các dự án NƠXH được phân bố ở nhiều địa phương cấp huyện. Thị xã Phú Mỹ đứng đầu với 5 dự án, gồm 3 dự án cho công nhân khu công nghiệp và 2 dự án cho đối tượng thu nhập thấp.
Trong đó điển hình là các dự án chung cư xã hội CC2 (khu tái định cư Phú Mỹ giai đoạn 1) với 914 căn; khu NƠXH 0,7ha với khoảng 264 căn; dự án nhà ở công nhân của công ty Hodeco khoảng 850 căn; chung cư NƠXH công nhân thép Tungho với 84 căn và dự án Gate Towers - cơ sở lưu trú cho người lao động khoảng 2.184 căn.
Tại TP. Vũng Tàu có 3 dự án NƠXH, quy mô 11ha với khoảng 4.254 căn hộ. TP. Bà Rịa có 1 dự án quy mô 1,3 ha với khoảng 1.942 căn.
Huyện Long Điền có 2 dự án NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp với 278 căn. Huyện Châu Đức có 3 dự án với bố trí 695 căn. Huyện Xuyên Mộc có 2 dự án với 1.006 căn.
Riêng huyện Côn Đảo có 1 dự án với quy mô 132 căn được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách khoảng 225 tỷ đồng. Hiện, dự án đang thi công và dự kiến đến tháng 4/2024 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh, hiện nay chỉ mới có 9 dự án NƠXH đã hoàn thành với quy mô 6,1ha với 1.551 căn hộ. Đây là con số ít ỏi so với nhu cầu thực tế gần 76.000 người lao động (trong đó có 38.000 lao động nhập cư) đang làm việc trong 15 khu công nghiệp trên địa bàn. Vì vậy sẽ có hàng chục nghìn người có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, và ngày càng tăng cao trong thời gian tới.
Giải cơn khát nhà ở vừa túi tiền
Là khu vực phát triển công nghiệp trọng điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu đang sở hữu một lượng lớn người lao động, tri thức, chuyên viên có nhu cầu căn hộ vừa túi tiền liền kề các cụm khu công nghiệp và các cụm cảng.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, các khu vực cụm cảng hiện có hơn 80 nghìn lao động, tăng 20% so với 3 năm trước đây. Trong đó, lao động đến từ các địa phương khác chiếm đến 90%.
Tuy nhiên, nhiều người lao động hiện vẫn đang phải sống cuộc sống khó khăn tại các khu nhà chật chội hoặc thuê nhà với giá đắt đỏ bởi hàng năm Vũng Tàu đón tới 30 triệu lượt du khách, trong đó có 8,78 triệu lượt khách lưu trú; riêng khách quốc tế dự kiến đón tới 1.4 triệu lượt. Đây là con số khổng lồ “chen chân” vào thị phần thị trường nhà phố và căn hộ cho thuê, đã làm mất đi cơ hội an cư nhà ở với giá vừa phải cho tri thức và người lao động trẻ đang sinh sống làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo UBND tỉnh, trước thực trạng trên, dự kiến trong năm 2024, toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 1,6 triệu m² sàn, tương ứng khoảng 13.110 căn, trong đó diện tích sàn nhà ở thương mại, khu đô thị hoàn thành là 380.966 m2, tương đương khoảng 2.003 căn kể căn hộ và nhà phố.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng nguồn cung diện tích sàn nhà ở tái định cư với mục tiêu hoàn thành là 195.015 m2, tương đương khoảng 1.939 căn (nhà các hộ dân tự xây dựng tại các lô nền được giao tái định cư); diện tích sàn nhà ở hoàn thành của hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng là 1.009.018 m2, tương đương khoảng 8.958 căn.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phát triển nhà ở phải phù hợp với nhu cầu nhà ở của tỉnh trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; đảm bảo tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do các cấp phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.
Trong đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở phải được xác định là một trong những chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với từng thời kỳ. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan gửi ý kiến phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, theo một số chủ đầu tư, thời gian qua, do biến động của nền kinh tế, thị trường BĐS toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm như căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều trong tình trạng “đóng băng” hoặc bán rất chậm. Bên cạnh đó, một số dự án đang còn vướng mắc về khâu pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng, vay tín dụng BĐS… chưa được kịp thời tháo gỡ khiến doanh nghiệp và người mua rơi vào tình trạng khó khăn.
“Khó khăn nhất là thủ tục hành chính và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng - trong đó nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án BĐS của doanh nghiệp - tuy nhiên các thủ tục và điều kiện vay còn xiết chặt.
"Mặt khác, việc thực hiện quy trình của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng nhà ở, kinh doanh BĐS... còn mất nhiều thời gian. Chúng tôi mong muốn thủ tục rút gọn hơn để nhiều dự án sớm được triển khai”, bà Diễm Hồng, đại diện một doanh nghiệp BĐS đang triển khai dự án căn hộ chung cư tại Vũng Tàu, chia sẻ.