Bác đề xuất xây sân bay của 11 tỉnh: Hoan nghênh
Động thái của Bộ GTVT cho thấy việc quy hoạch xây dựng sân bay phải dựa trên cơ sở khoa học, không phụ thuộc vào ý muốn của địa phương.
Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Bộ đã bác đề nghị của 11 tỉnh về bổ sung sân bay cho địa phương mình gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận.
Việc không bổ sung các sân bay theo đề nghị của các địa phương được đưa ra sau khi tư vấn đã rà soát kỹ lưỡng lại kết quả và đối chiếu với các tiêu chí đánh giá về mức độ cần thiết, mức độ khả thi đối cảng hàng không mới. Điểm đánh giá của 11 tỉnh có ý kiến đề nghị bổ sung quy hoạch sân bay mới không cao, không nằm trong 30 tỉnh, thành có tổng điểm cao nhất cả nước.
Hoan nghênh động thái của Bộ GTVT, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ ông thấy vui vì những phản biện của các chuyên gia về đề xuất xây dựng sân bay của nhiều địa phương đã được lắng nghe.
Trước đó, khi một loạt địa phương đề xuất được xây dựng sân bay, GS Đào đã phải thốt lên: hội chứng sân bay lại tái xuất và tiếp tục phát triển trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy lên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: PLO |
Điều ông thấy đáng buồn là những đề xuất xây dựng sân bay được đưa ra ngày càng vô lý khi khoảng cách giữa địa phương đề xuất với sân bay của "hàng xóm" chỉ chừng 100km, đi cao tốc còn nhanh hơn so với thời gian làm thủ tục lên, xuống máy bay.
Đơn cử như trường hợp của Ninh Bình. Địa phương này đề xuất Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Vấn đề ở chỗ, Ninh Bình rất gần với hai sân bay là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Trong đó, sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 120 km và sân bay Thọ Xuân cách thành phố Ninh Bình khoảng hơn 90 km.
Tương tự, Hà Tĩnh cũng muốn có sân bay trong khi đã có hai sân bay gần bên cạnh là sân bay Đồng Hới và Vinh, khoảng cách không quá xa (từ Hà Tĩnh tới Vinh là 70km và từ Hà Tĩnh tới Đồng Hới khoảng 150km). Chưa kể trục giao thông kết nối giữa Hà Tĩnh với các tỉnh thành khác đều rất phát triển, di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian (đường sắt, đường bộ) không cần thiết phải có thêm một sân bay nữa.
Trên đây mới chỉ là tiêu chí về cự ly, chưa tính đến các yếu tố khác, đặc biệt là hiệu quả kinh tế. GS Đào nhắc lại một thống kê của ngành giao thông cho thấy, cả nước chỉ có 6/23 sân bay kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi); 17 sân bay bị thua lỗ và phải lấy lợi nhuận các cảng có lãi bù qua.
Bởi vậy, một lần nữa khẳng định việc Bộ GTVT bác đề xuất xây dựng sân bay của 11 tỉnh là hoàn toàn hợp lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nói thêm, việc này cũng cho thấy, quy hoạch và xây dựng sân bay phải dựa trên cơ sở khoa học với các tiêu chí cụ thể về nhu cầu sản lượng, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, cự ly bố trí... chứ không phải phụ thuộc vào ý muốn của địa phương.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, xây dựng quá nhiều sân bay là đi ngược xu hướng thế giới. Như ở châu Âu, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, một số quốc gia khuyến khích người dân đi tàu điện, chỉ khi thời gian di chuyển trên 2 tiếng đồng hồ mới đi máy bay.
Một vấn đề khác được GS.TS Đặng Đình Đào quan tâm, đó là sân bay chuyên dùng. Trước đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy hoạch sân bay chuyên dùng. Việc này, GS Đào cho biết, thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.
Quy hoạch sân bay chuyên dùng là cần thiết, song theo vị chuyên gia, chỉ nên áp dụng đối với một số lĩnh vực đặc biệt của quốc gia, không phải với mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa.
"Bởi tính đặc biệt của nó nên phải tính cho các ngành liên quan đến an ninh quốc gia. Việc quy hoạch sân bay chuyên dùng phải Bộ Quốc phòng chủ trì, có sự phối hợp của Bộ GTVT", GS Đào nói.
Mặt khác, ông cũng lưu ý trong quy hoạch sân bay phải tính đến yếu tố lưỡng dụng cho cả bên dân sự và quốc phòng, riêng lĩnh vực quốc phòng cần tính đến đặc thù. Chính vì thế, ở một số đảo như Lý Sơn, Phú Quý... xây dựng sân bay là hợp lý, vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, phục vụ chiến lược lâu dài.
"Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý... Điều này rất đúng đắn", GS.TS Đặng Đình Đào khẳng định.