Bất động sản 24h: Cẩn trọng làn sóng đầu cơ bất động sản công nghiệp
Cẩn trọng làn sóng đầu cơ bất động sản công nghiệp; Lạc vào thế giới cò đất ven biển Thanh Hóa; Bất động sản Đà Nẵng chạm đáy 2020, đất nền đang nóng trở lại... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.
Cẩn trọng làn sóng đầu cơ bất động sản công nghiệp
Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2021, có tới 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt cho thấy “sức nóng” của phân khúc này vẫn luôn dẫn đầu thị trường địa ốc.
Trong đó, các dự án khu công nghiệp được phê duyệt trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
Trên thực tế, trải qua các làn sóng dịch, bất động sản công nghiệp vẫn luôn là ngành được đánh giá có sự tăng trưởng lớn và triển vọng bậc nhất thị trường địa ốc. Theo báo cáo năm 2020 của Bộ Xây dựng, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Tuy nhiên, dù đứng trước nhiều cơ hội, nhưng theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam còn một số nút thắt cần tháo gỡ, như vấn đề liên quan đến hạ tầng và chi phí logistics; cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn; thực hiện đủ các thủ tục về pháp lý… Bên cạnh đó, một thực trạng đã và đang diễn ra quanh khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đó là tình trạng “sốt đất”, đẩy giá ăn theo quy hoạch.
Khan hiếm nguồn cung, giá nhà phố Bình Dương tăng vọt
Trong vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Bình Dương, đặc biệt là với phân khúc nhà phố ở các khu vực giáp ranh TP.HCM như Dĩ An, Thuận An được ví như “nồi cơm Thạch Sanh” của giới kinh doanh địa ốc. Nhận diện được nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi nguồn cung khan hiếm, nhiều nhà đầu tư đã nắm bắt, đón đầu cơ hội và đã “hốt bạc” từ việc đầu tư này.
Sự tăng giá không ngừng của thị trường bất động sản khu vực Dĩ An, Thuận An thời gian qua tạo nên một cơn địa chấn về tâm lý. Không ít nhà đầu tư lẫn người mua nhà cho rằng, giá nhà đất đang trong cơn sốt ảo nên đứng ngoài chờ đợi, nhưng cũng có những nhà đầu tư nhận diện được thời cơ và có khả năng tài chính, nên đã kiếm không ít lợi nhuận nhờ tận dụng được cơ hội.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư phải khóc ròng trước cơn sốt giá, khi đoán sai đỉnh của cơn sốt, bán ra sau không mua lại được, hoặc mua lại chính khu đất mình bán trước đó với giá cao hơn.
Theo các chuyên gia, trong suốt một thập niên qua, thị trường chứng kiến nhiều trường hợp phải hối tiếc vì mang tâm lý chờ đợi giá nhà giảm mới mua vào để rồi sau đó mất cơ hội an cư, vì giá liên tục tăng lên. Trước đây đã vậy, bây giờ khả năng nha đất sẽ giảm càng khó hơn, do vậy, nếu có nhu cầu, có cơ hội thì tốt nhất không nên chần chừ, bởi nhu cầu ngày càng tăng, còn đất không thể nở ra.
Lạc vào thế giới "cò đất" ven biển Thanh Hóa
Vừa dừng xe hỏi thăm đường đến UBND xã Quảng Đại (TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) PV gặp ngay một nhóm thanh niên tới hỏi về việc mua bán đất đai trên địa bàn: “Nếu cần mua đất mời các anh xuống đây trao đổi, chứ vào trong xã không còn đất để bán đâu” - một thanh niên trong nhóm nói.
Vào vai người tìm mua đất “bất đắc dĩ”, sau màn chào hỏi chớp nhoáng, một thanh niên tên Nam (xã Quảng Hải, Sầm Sơn) giới thiệu đang cần bán lô đất thổ cư ven biển khoảng 430m2 (diện tích đất ở 100%), đầu ve hai mặt tiền tiếp giáp với hai mặt đường rộng 8 mét và rộng 6 mét với giá 12,5 triệu/m2.
Cũng theo Nam, trước kia gia đình có hơn 1.000m2 đất ở, trước tết đã bán cho người từ Hà Nội vào mua, sau đó mảnh đất mà Nam đang giới thiệu là mua lại của ông chú trong gia đình.
Chỉ tay về mặt bằng kế đó, Nam giới thiệu đây là mặt bằng 3367 (thuộc xã Quảng Đại, Sầm Sơn) mới được đấu giá năm 2020 với giá khởi điểm là 600 triệu đồng/1 lô (100m2), cho tới thời điểm hiện tại giá đất của mặt bằng này đã tăng gấp đôi, khoảng 1,2 tỷ đồng/1 lô (100m2). “Thậm chí, có nhiều người trả cao hơn mức giá trên nhưng cũng không còn đất để bán”, Nam cho hay.
Lễ Vinh danh thương hiệu BĐS dẫn đầu năm 2020 - 2021 và Tọa đàm BĐS Mùa Xuân
Để nhận diện những cơ hội mới từ thị trường bất động sản; những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp; những khu đô thị, dự án, sản phẩm… uy tín trên thị trường; tháng 12/2020, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) đã tổ chức Chương trình bình chọn Thương hiệu dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam 2020 - 2021 từ 500.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm: 150 nhà báo theo dõi lĩnh vực kinh tế - xây dựng - bất động sản; 30 chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.
Nhằm vinh danh các Thương hiệu xuất sắc dẫn đầu thị trường; đồng thời, phân tích bức tranh tổng quan, cập nhật diễn biến và dự báo từ vĩ mô cho đến sự chuyển động của từng phân khúc, sản phẩm của thị trường bất động sản giai đoạn tới; đồng hành cùng doanh nghiệp để nhận diện những vướng mắc, rào cản cần khơi thông để thị trường thực sự bứt phá; được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Reatimes và VIRES tổ chức Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2020 - 2021 và Tọa đàm Bất động sản Mùa Xuân lần thứ I.
Bất động sản Đà Nẵng "chạm đáy" 2020, đất nền đang "nóng" trở lại
Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong năm 2020, thị trường đón nhận 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 183 nền, chỉ bằng 3% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 57% (104 nền), tương đương gần 2% lượng tiêu thụ năm 2019.
Nhìn chung, nguồn cung và lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đều giảm mạnh trong năm 2020. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp kém sôi động, tính thanh khoản thấp. Giá thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 5 - 10%.
Riêng một số trường hợp người bán cần thu hồi vốn gấp ở các dự án thuộc khu đô thị Tây Bắc (quận Liên Chiểu) hoặc khu đô thị Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), mức giảm giá thứ cấp có thể lên đến 15 - 20%.Trước tình hình dịch bệnh và khó khăn của thị trường, nhiều chủ đầu tư đã điều chỉnh giá bán sơ cấp, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ hấp dẫn nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Có thể thấy, đất nền Đà Nẵng đã chạm đáy vào năm 2020 khi mà từ đầu năm đến nay, thị trường đã rục rịch trở lại, nhà đầu tư âm thầm săn đất nền tại một số dự án ra hàng mới, nhu cầu cao khiến nhiều nơi "cháy hàng", giá nhích nhẹ từ 10 - 15% so với cuối năm 2020. Đơn cử như giỏ hàng mới ở FPT City đã bán hết sạch trong vài ngày, chủ đầu tư tiếp tục ra 38 lô đã có sổ chỉ trong một ngày đã được các nhà đầu tư gom hết. Hay tại Hòa Xuân, các lô liền kề, biệt thự đã nhúc nhích giao dịch trở lại với mức giá tăng từ 100 - 200 triệu đồng/lô so với cuối 2020, dao động khoảng 2,6 - 3,5 tỷ đồng/lô diện tích 100m2.