Bất động sản 24h: Đất nền lao dốc khi dịch bùng phát, lộ diện những nơi giảm sâu nhất

Đất nền lao dốc khi dịch bùng phát, lộ diện những nơi giảm sâu nhất; “Ma trận” tên dự án bất động sản: Bất cập và hệ lụy... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua,

Đất nền lao dốc khi dịch bùng phát, lộ diện những nơi giảm sâu nhất

Đất nền là loại hình bất động sản bị ảnh hưởng lớn nhất khi dịch bùng phát, với mức quan tâm giảm 19% chung cho toàn thị trường. Một số nơi mức độ quan tâm giảm sâu tới 49%.

Đó là thông tin được đưa ra tại báo cáo dữ liệu thị trường bất động sản tháng 5 vừa được batdongsan.com.vn công bố sáng nay (10/6).

Theo đại diện đơn vị này, tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bất động sản. Phân tích dựa trên dữ liệu lớn có thể thấy lượng quan tâm sụt giảm mạnh ở loại hình đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại những tỉnh có số lượng ca nhiễm cao. 

Bất động sản 24h: Đất nền lao dốc khi dịch bùng phát, lộ diện những nơi giảm sâu nhất - Ảnh 1


Cụ thể, so với tháng 4, đất nền là loại hình bất động sản bị ảnh hưởng lớn nhất khi dịch bùng phát, với mức quan tâm giảm 19% chung cho toàn thị trường. Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và TPHCM.

Trong khi đó, báo cáo cũng cho thấy một số tỉnh thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%)...

“Ma trận” tên dự án bất động sản: Bất cập và hệ lụy

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Luật sư điều hành Công ty Luật Legal United Law đã có những chia sẻ với Reatimes xoay quanh vấn đề “ma trận” tên dự án bất động sản.

"Tên của một dự án đầu tư hay bất kỳ dự án bất động sản nào là yếu tố thuộc về mặt nội dung, đồng thời là thành phần bắt buộc phải có và phải được ghi nhận rõ trong văn bản về chấp thuận chủ trương đầu tư hay trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản hiện nay chỉ có quy định khái niệm là tên dự án chứ hoàn toàn chưa có định nghĩa thế nào là tên thương mại của dự án. Theo khoản 3, Điều 19 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 cùng với thực tế áp dụng pháp luật về đầu tư thì tên dự án được quy định và cần được hiểu rõ hơn một chút như sau:

Về đặt tên: “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt, trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau”.

Về chấp thuận tên gọi của dự án, tên dự án hay các tên đường, tên khu vực thuộc dự án sẽ do chủ đầu tư tự đặt nhưng việc đặt tên này phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định hay chấp thuận", luật sư Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ.

Hà Nội dừng hàng loạt dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT

Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện gồm 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng; 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong số này có dự án dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20km của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường. Công ty cổ phần Bitexco (Bitexco Group) cũng bị dừng thực hiện thủ tục dự án đường 70 đoạn từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Dự án Đường vành đai 5 qua địa bàn xã Sơn Tây, quy mô 10km đang được Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Dương thực hiện thủ tục dự án cũng nằm trong danh sách này…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua, TP. Hà Nội nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư về việc tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Về chủ trương, UBND thành phố luôn hoan nghênh các nhà đầu tư có mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn thành phố.

Đón sóng tỷ USD, nhà đầu tư đổ dồn về vùng ven Hồ Tràm săn đất

Dịch bệnh Covid-19 phức tạp đang khiến thị trường bất động sản trở nên trầm lắng. Các hoạt động mua bán, giao dịch đều bị chững lại. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn chung của thị trường, phân khúc đất nền giá rẻ vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bất chấp đại dịch.

Báo cáo tổng quan về toàn cảnh thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA Việt Nam cho thấy, đất nền vẫn là phân khúc được nhà đầu tư ưa chuộng. Phân khúc này dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán. Xét về dài hạn, tâm lý sở hữu đất nền vẫn còn khá lớn trên thị trường. Và chính sự khan hiếm đã đẩy mức giá bán của loại hình này trên thị trường sơ cấp tăng lên.

Bất động sản huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thu hút nhà đầu tư do giá mềm, nhiều tiềm năng để phát triển  
Bất động sản huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thu hút nhà đầu tư do giá mềm, nhiều tiềm năng để phát triển  
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực miền Nam cũng cho biết, đất nền từ lâu vẫn được nhận định là một kênh đầu tư hấp dẫn. Khoảng 5 năm trở lại đây, lợi nhuận đất nền tăng rất tốt, từ 15 - 50%, 70%, thậm chí có nơi đến 100%. Không thể phủ nhận, trong tất cả các kênh đầu tư thì căn hộ, officetel, condotel, nhà liền thổ lợi nhuận thấp so với đất nền. Nếu so với chứng khoán hay gửi tiết kiệm thì biên lợi nhuận của đất nền ổn định hơn. Chưa kể, nguồn cung đất nền hạn chế càng kích thích sự tăng trưởng về giá, lợi nhuận của phân khúc này.

Tiêu điểm thị trường bất động sản tháng 5

Tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bất động sản. Phân tích dựa trên dữ liệu của batdongsan.com.vn cho thấy, lượng quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) sụt giảm mạnh ở loại hình đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại những tỉnh có số lượng ca nhiễm Covid-19 cao. Loại hình chung cư gây chú ý khi có cú lội ngược dòng với mức tăng ấn tượng ở cả thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chung cư có cú lội ngược dòng với mức tăng ấn tượng ở cả thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thị trường bất động sản tháng 5 ghi nhận nhiều diễn biến nổi bật đáng chú ý, cụ thể: Trong tháng, số lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập tiếp tục tăng 60.4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện tín hiệu tích cực về sự phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021.

Còn so với tháng 4/2021, đất nền là loại hình bất động sản bị ảnh hưởng lớn nhất khi dịch bùng phát, với mức quan tâm giảm 19% chung cho toàn thị trường. Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh/thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes